VBF 2023: Kinh tế số là sân chơi rộng mở, nhiều đề xuất để Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng

Trang Mai 17:36 | 19/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh khó khăn bằng cách tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá tài nguyên. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức, kinh tế số sẽ tiếp tục là giải pháp cho sự tăng trưởng kinh tế.

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 được tổ chức sáng 19/3 tại Hà Nội, đóng góp ý kiến về vấn đề chuyển đổi kinh tế số,ông Greg Testerma – Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ khi trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số và chuyển đổi số sâu rộng hơn. 

 Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham).Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kinh tế số là một sân chơi rộng mở, Việt Nam càng sớm tham gia và chấp nhận quy luật thì càng có lợi thế. Để nước ta có thể khai thác tối đa tiềm năng của tương lai kỹ thuật số, AmCham cho rằng các cơ quan chính sách cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện để xây dựng khuôn khổ pháp lý về kỹ thuật số. “Một số thủ tục hiện nay còn vướng mắc về thiết bị kỹ thuật số vẫn là rào cản và chúng tôi rất muốn có được sự đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu cũng như những chứng chỉ cần thiết từ những quốc gia đáng tin cậy”, Chủ tịch AmCham cho biết.

Cũng theo đại diện hiệp hội, khoảng cách hiện tại giữa tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế về dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu đang trở thành thách thức cho các công ty Hoa Kỳ đầu tư và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực này. Do đó Việt Nam cần hài hòa các tiêu chuẩn trong nước với tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho đầu tư quốc tế vào dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu.

Xây dựng năng lực số cốt lõi trên “Sáu công nghệ số” là điều cần thiết để đảm bảo rằng một quốc gia có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu. Những công nghệ này bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, 5G và chuỗi khối. Làm chủ các công nghệ này sẽ cho phép các quốc gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra nhiều việc làm mới.

AmCham mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới trong cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững, ban hành các chính sách để tiếp tục thu hút ngành sản xuất có giá trị cao và nâng cao vai trò của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Bà Hà Nguyễn, Đồng Trưởng Nhóm Kinh tế số cho rằng, Chính phủ có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số ở Việt Nam. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, đại diện VBF cho rằng Chính phủ Việt Nam cần quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho những bước tiến sắp tới. Ví dụ: dịch vụ điện toán đám mây trong thời điểm dịch bệnh đã giúp nhiều tổ chức thích ứng và duy trì hoạt động trong những thời điểm gián đoạn nhờ khả năng tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô, hạ tầng tin cậy và bảo mật. 

Một trong những kiến nghị đáng chú ý được nhóm này đưa ra là việc công nhận các giấy tờ có chữ ký điện tử cấp cho cá nhân. Theo đơn vị này, nền tảng của một thế giới số hóa là cung cấp các giải pháp điện tử thay thế cho chữ ký tay và nhận dạng cá nhân thủ công. Việc thống nhất các tiêu chuẩn của Việt Nam với các tiêu chuẩn trong Quy định về Định danh Điện tử và Dịch vụ Tin cậy (eIDAS) sẽ là bước đầu tiên, từ đó đẩy nhanh các quy định về các tiêu chuẩn Chữ ký Điện tử và hướng tới một tiêu chuẩn hài hòa toàn cầu.

Theo báo cáo của nhóm công tác kinh tế số, trong tương lai, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và phát triển phần mềm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những công nghệ này sẽ cách mạng hóa các ngành công nghiệp, tạo ra những cơ hội mới và đồng thời giải quyết các thách thức cấp bách nhất hiện nay.

“Trước khi ưu tiên phát triển các công nghệ này, chúng ta cũng phải nhận thức được những rủi ro và thách thức tiềm ẩn mà chúng mang lại. Ví dụ, khi sử dụng và khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, cần đảm bảo rằng việc này sẽ không tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội hoặc làm ảnh hưởng tới việc làm. Cũng như khi thu thập và sử dụng dữ liệu, chúng ta cũng phải đảm bảo về bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của các cá nhân” – Nhóm phân tích nhận định. 

Phản hồi các góp ý của doanh nghiệp, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, về vấn đề phát triển hạ tầng số, Bộ ủng hộ quan điểm phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nhưng vẫn cần đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn, an toàn an ninh của người tiêu dùng. Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tham gia xây dựng dịch vụ điện toán đám mây và trung tâ dữ liệu tại Việt Nam. Dự thảo không hạn chế tỷ lệ vốn góp của các doanh nghiệp nước ngoài.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Từ góc độ đầu tư trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Chính phủ, Việt Nam đã xây dựng quy hoạch hạ tầng ngành thông tin và truyền thông. Trong đó, quy hoạch không gian trung tâm dữ liệu quốc gia bao gồm tối thiểu 5 trung tâm dữ liệu quốc gia chuyển đổi số ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, tối thiểu 6 trung tâm dữ liệu vùng. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các nhà đầu tư căn cứ vào quy hoạch này có thể tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thông tin truyền thông.

Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là hạ tầng số quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, kinh tế số và chuyển đổi số. Vì vậy cần được quản lý và thúc đẩy phát triển” -Thứ trưởng thông tin. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận