Dòng vốn FDI tăng tốc, cơ hội cho các doanh nghiệp KCN nắm quỹ đất lớn phía Bắc
Thùy Dương 15:06 | 03/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ cùng với tỷ lệ lấp đầy ổn định trên 80% là những cơ hội cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là thị trường phía Bắc.
Sự dịch chuyển trở lại của dòng vốn FDI – Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng
Cập nhật báo cáo mới nhất về ngành khu công nghiệp (KCN) từ CTCK Mirae Asset (MAS), dựa trên số liệu vốn nước ngoài đăng ký, các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) (phần lớn là các nhà sản xuất linh kiện điện tử) đang tích cực xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc đại lục cũng khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh. Các doanh nghiệp này đang tiến hành đẩy mạnh khảo sát thị trường khu công nghiệp phía Bắc để tìm các địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất với các lợi thế về chuỗi cung ứng và hậu cần thuận lợi so với thị trường Trung Quốc.
Theo đó, mặc dù thị trường trong giai đoạn nửa đầu năm nay khá trầm lắng, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực cho năm tài chính 2023. Phần lớn doanh số trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng được ký kết từ trước nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận trong năm ngoái, cũng như từ nguồn doanh thu chưa thực hiện phân bổ định kỳ đối với các doanh nghiệp chọn cách ghi nhận phân bổ doanh thu.
Cụ thể, dựa trên mục tiêu doanh thu năm 2023 và kết quả kinh doanh quý I, các nhà phát triển khu công nghiệp kỳ vọng đạt được tăng trưởng doanh thu 22% so với cùng kỳ trong giai đoạn 9 tháng cuối năm 2023 để hoàn thành mục tiêu cả năm.
Theo MAS, điều này cho thấy sự tự tin của các doanh nghiệp trong ngành về sự phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm nay, khi kế hoạch cả năm đã được đưa ra tại ĐHCĐ diễn ra trong 2 tháng qua, sau khi công bố kết quả quý I.
Cơ hội cho các doanh nghiệp KCN từ xu hướng dòng vốn
Trước đó, trong quý I, theo CBRE (công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới), tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc có 3 KCN mới đã đi vào hoạt động với diện tích tăng thêm khoảng 528 ha, thuộc tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Do nguồn cung mới tăng lên, tỷ lệ lấp đầy đã giảm nhẹ về mức 80,6% (giảm 2,2 điểm phần trăm so với quý trước).
Trong khi đó, giá thuê trung bình được ghi nhận tăng 2% so với quý trước, nhờ vào nhu cầu vẫn được duy trì tốt ở các KCN mới ở Bắc Ninh và Hải Dương.
Tại phía Nam, trong cùng kỳ, 2 dự án KCN VSIP 3 (1.000 ha) và KCN Nam Tân Uyên 3 dự kiến đưa ra thị trường hơn 1.300 ha. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 5.400 ha diện tích KCN mới trong thời gian tới, chủ yếu tập trung tại Long An (40%) và Bình Dương (27%).
Tỷ lệ lấp đầy bình quân ở 5 tỉnh thành (cấp 1) đạt khoảng 85%. Trong khi các KCN ở TP HCM đã gần như lấp đầy tối đa, Bình Dương và Đồng Nai duy trì tỷ lệ sử dụng trên 90%.
Việc mở rộng phát triển công nghiệp ở các tỉnh thành cấp 2 được thúc đẩy bởi những yếu tố như chi phí bồi thường tăng cao, trong bối cảnh nguồn đất ở khu vực cấp 1 hạn chế; Sự khó khăn trong các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hạ tầng kết nối các vùng kinh tế đang dần được cải thiện; Và giá thuê cạnh tranh, do chi phí đất thấp hơn.
Theo đó, giá thuê trung bình của các KCN ở miền Nam đạt 173 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 4% so với quý trước. Đặc biệt, giá thuê tại TP HCM đạt mức cao kỷ lục, 300 USD/m2/chu kỳ thuê, do sự khan hiếm của quỹ đất.
Qua phân tích, các chuyên gia đánh giá cơ hội cho doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là thị trường phía Bắc được thể hiện rõ từ chiến lược “Trung Quốc +1″.
Cụ thể, các doanh nghiệp có sở hữu quỹ đất nằm ở khu vực phía Bắc là đối tượng được hưởng lợi chính trong xu hướng này nhờ các lợi thế liên quan đến thời gian giao hàng, và chuỗi cung ứng sẵn có với thị trường Trung Quốc; Xung đột thương mại giữa Mỹ Trung… có thể sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển các nhà máy sản xuất; Cuối cùng là các dự án lớn sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới như LG (4 tỷ USD), Foxconn (300 triệu USD),…
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC), hiện các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại thị trường Đài Loan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch về việc sẽ mở rộng đầu tư tại thị trường KCN miền Bắc. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến hơn tới 42% các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Cơ hội dành cho các doanh nghiệp còn quỹ đất cho thuê lớn.
Bên cạnh đó, phía MAS cho rằng những sự khó khăn của nền kinh tế chung trên toàn cầu đã và đang giảm dần (lạm phát hạ nhiệt), điều này sẽ là nền tảng hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển KCN thông qua sự phục hồi của dòng vốn FDI, đặc biệt đối với những nhà phát triển có quỹ đất lớn sẵn sàng cho thuê.
Trong đó, nhóm phân tích đánh giá cao tiềm năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành như Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC), Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (HOSE: BCM), với quỹ đất lớn nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, việc sở hữu tệp khách hàng gồm các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung, Foxconn, v.v. với kế hoạch tăng cường hợp tác mở rộng đầu tư sắp tới là một lợi thế khi dòng vốn mới sẽ ưu tiên thuê đất tại các KCN mà các công ty hay tập đoàn đa quốc gia đã đề cập có cơ sở sản xuất.
Dòng vốn đầu tư công cũng là nhân tố hỗ trợ phát triển KCN trong dài hạn. Theo đó, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn 2023 – 2025, với mục tiêu hoàn thành 1.600km đường cao tốc trong 3 năm. Hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng sẽ gia tăng sự hấp dẫn của các KCN trong dài hạn, thông qua việc tối ưu hóa chi phí hoạt động, chi phí vận chuyển.
https://www.facebook.com/v3.0/plugins/like.php?action=like&app_id=&channel=https%3A%2F%2Fstaticxx.facebook.com%2Fx%2Fconnect%2Fxd_arbiter%2F%3Fversion%3D46%23cb%3Df2043132e8cab28%26domain%3Ddoanhnhanvn.vn%26is_canvas%3Dfalse%26origin%3Dhttps%253A%252F%252Fdoanhnhanvn.vn%252Ff83d484f8a36e%26relation%3Dparent.parent&container_width=0&href=https%3A%2F%2Fdoanhnhanvn.vn%2Fdong-von-fdi-tang-toc-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-kcn-nam-quy-dat-lon-phia-bac.html&layout=button&locale=en_US&sdk=joey&share=true&size=small&width=