Doanh nghiệp xây dựng ‘oằn mình’ trong bão giá
Trịnh Hiền 09:36 | 05/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ
Hàng loạt doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng đều có kết quả kinh doanh ảm đạm trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 do phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ ‘cơn bão giá’ nguyên vật liệu.
Doanh thu lao dốc
Khi nhiều doanh nghiệp xây dựng đang rục rịch phục hồi sau hai năm đóng băng vì Covid-19 thì ‘bão’ tăng giá nguyên vật liệu tiếp tục gây sức ép lên kết quả kinh doanh nửa đầu năm.
Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu thuần quý II tăng so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm nghiêm trọng từ 6,1% cùng kỳ về dưới 3,3%. Bên cạnh sự suy giảm về hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, dư nợ tài chính của HBC đã tăng 1.436 tỷ đồng lên 6.533 tỷ đồng, tức tăng 28% so với đầu năm, đa số là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.365 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Báo cáo tài chính quý II/2022 vừa được công bố của CTCP Xây dựng Coteccons cũng cho thấy doanh nghiệp cũng vừa trải qua một quý II với tình hình kinh doanh kém hiệu quả. Doanh nghiệp này dù ghi nhận doanh thu thuần tăng 28,6% so với cùng kỳ 2021, đạt 3.280 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ gần 24 tỷ đồng do giá vốn hàng bán vượt 3.000 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp 3 lần. Lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 18 lần, lãi sau thuế của Coteccons chỉ còn 5,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Sông Đà chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 4 tỷ đồng trong quý II/2022, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ sau thuế 1,3 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 6 liên tiếp của công ty này kể từ quý I/2021 đến nay.
Thông tin tại hội nghị ngành xây dựng mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không hoàn thành mục tiêu. 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28-40% kế hoạch năm, tức chỉ đạt 60-80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng. Dễ thấy, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành ‘cơn ác mộng’ đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trong suốt thời gian qua và có thể kéo dài hơn nữa.
Khó khăn còn ở phía trước
Mặc dù giá thép, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh những ngày gần đây, nhưng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát, đá, xi măng vẫn còn neo cao khiến nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn chưa thể lạc quan trong thời gian tới.
Chia sẻ trên Kinh tế Sài Gòn, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết sau hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.
Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khó khăn chồng chất khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong khi cơn bão giá vật liệu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà thầu đang phải gồng mình xoay xở bằng nhiều cách. Chia sẻ trên báo Đầu tư, ông Lê Trung Vĩnh, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL03, Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (Công ty Trung Chính) cho hay: “Để có thể thi công dự án, nhà thầu phải giật gấu vá vai từ các dự án đang làm để cân đối dòng tiền. Hiện tại, nhiều khoản nợ của nhà thầu đã đến hạn trả ngân hàng nên phải đàm phán gia hạn hoặc đảo nợ để tiếp tục có vốn thi công”.
Còn đối với Vinaconex, ông Nguyễn Hữu Tới – Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở, nhưng việc mất cân đối dòng tiền trong hơn một năm qua là quá lớn, vượt hạn mức của ngân hàng nên không thể tiếp tục vay. Do tác động cộng hưởng nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp suy kiệt tài chính.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra nhận định, mặc dù doanh nghiệp có sự chủ động ứng phó nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy một kế hoạch quản trị khủng hoảng có lẽ là chưa đủ. Các doanh nghiệp đang hứng chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh. Trong khi đây là chiến lược không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ những rủi ro, gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn.
Theo báo Đồng Nai, trong báo cáo VACC gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng khó khăn mà ngành xây dựng đang phải đối mặt, điều mà các nhà thầu đang mong mỏi là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng vượt qua khó khăn. Trong đó, có các biện pháp cải cách hành chính; kiềm chế lạm phát; kiểm soát, bình ổn thị trường, nhất là đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, xăng, dầu; nhập khẩu và cung ứng các mặt hàng khan hiếm để phục vụ sản xuất, kinh doanh đặc thù. Đặc biệt, sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng với những gói vay ưu đãi thiết thực sẽ là động lực giúp các nhà thầu xây dựng tăng khả năng cạnh tranh và không bị động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.