Đầu tư công thấm dần vào nền kinh tế
Hạ An 07:59 | 20/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Đầu tư công dù được thúc đẩy từ đầu năm 2023, song thực tế nguồn vốn đầu tư công khi bơm vào nền kinh tế luôn có độ trễ. Đến quý IV/2023, sau khi ghi nhận mức giải ngân tăng trưởng hai con số năm thứ hai liên tiếp, những con số tích cực trong kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng đã cho thấy dòng vốn này đã bắt đầu thấm vào nền kinh tế.
Cuối năm 2023, nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,72%, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%) mà một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế là đầu tư công.
Sau ba quý đầu năm không mấy khả quan đến quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp xây lắp đã đạt được những con số tích cực trong kết quả sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy đầu tư công luôn có độ trễ và nguồn vốn này đã bắt đầu thấm vào nền kinh tế.
Đầu tư công bắt đầu thấm vào nền kinh tế
Khác với phần lớn doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khi có một năm 2023 vô cùng khó khăn ảm đảm, những doanh nghiệp xây lắp lại có một năm khá thuận lợi nhờ động thái đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
“3 ca, 4 kíp” là khẩu hiệu được nhiều nhà thầu đưa ra trong giai đoạn từ cuối năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ các dự án, ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là năm khởi công hàng loạt đại dự án như: Một số dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam, Dự án Vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP HCM, sân bay Long Thành.
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng như VCG, HHV, C4G, LCG… đã trúng thầu hoặc được chỉ định thầu tham gia xây dựng các dự án này, nhờ đó kết qua kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này đã có sự khởi sắc. Do độ trễ của đầu tư công nên phải đến quý IV/2023, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xây lắp mới thực sự được cải thiện.
Theo báo cáo hợp nhất Vinaconex (mã: VCG) công bố, doanh thu quý IV/2024 trên toàn hệ thống đạt 3.789 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 12.704 tỷ đồng, tăng mạnh so với 8.452 tỷ đồng doanh thu của năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt 131 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 336 tỷ đồng, kết quả này là tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2022 nếu loại trừ thu nhập tài chính.
2023 Vinaconex liên tiếp trúng nhiều gói thầu thuộc dự án sân bay Long Thành (gói 5.10; 4.6; 3.4), tổng giá trị trúng thầu của VCG và liên doanh ghi nhận mức gần 68.000 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động xây lắp của công ty tăng 35,6% so với năm trước đó, đạt gần 8.300 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng doanh thu.
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cũng đạt doanh thu hơn 861 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế cả năm 2023, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng hơn 28% và vượt 8% kế hoạch. Tương ứng, LNST ghi nhận 362 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 và vượt 7% kế hoạch.
Với nhóm doanh nghiệp xây lắp có quy mô nhỏ hơn, đầu tư công cũng là yếu tố giúp họ đạt được những kết quả tích cực. “Doanh thu quý IV/2023 của doanh nghiệp tăng cao là nhờ đẩy nhanh thi công các dự án cao tốc trúng thầu trong năm 2023” là lý giải về kết quả doanh thu tăng 2,4 lần trong quý IV/2023 của CTCP Lizen (mã chứng khoán: LCG) nêu rõ khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất.
Quý này, LCG đạt doanh thu thuần đạt 833,3 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn và các chi phí, Lizen báo lãi sau thuế quý IV tăng 100% so với cùng kỳ đạt 63,3 tỷ đồng.
Với năm 2024, đây được xem là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhưng trên mức nền cao của năm 2023 với các dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh trong năm 2023 gồm: Cao tốc Bắc Nam phía Đông (32.500 tỷ đồng); Hoàn thiện Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (10.800 tỷ đồng); Chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 – Hà Nội và Vành đai 3 – TP HCM (19.800 tỷ đồng).
Kỳ vọng vào hiệu ứng lan tỏa
Phải đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 nguồn vốn đầu tư công mới thực sự thấm vào nền kinh tế cũng được các chuyên gia kinh tế dự báo từ trước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng.
Trong quý I, gần như vốn đầu tư công sẽ không giải ngân được, quý II chuẩn bị, tới quý III và quý IV mới là lúc tiền ra. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã cao hơn hẳn năm trước đó và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm, đầu năm 2024.
TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng đầu tư công luôn có độ trễ. Nhưng một khi tiền đã được bơm ra sẽ luôn có tác động với sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Năm ngoái, lượng vốn đầu tư công bơm ra nền kinh tế khá lớn và sẽ tác động nhiều đến tăng trưởng cuối năm ngoái, đầu năm nay. Tuy nhiên, nếu muốn lan toả tốt hơn đến nền kinh tế thì cần chuẩn bị thật tốt các nguồn lực để hấp thụ nguồn vốn đó. “Điển hình như sân bay Long Thành, chúng ta còn thiếu rất nhiều trong việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng để đưa dự án vào vận hành và hoạt động hiệu quả”, GS. Thành nói.
Các chuyên gia cho rằng vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP, không chỉ từ số vốn được giải ngân năm nay mà còn từ các năm trước thấm dần vào nền kinh tế.
Tốc độ giải ngân đầu tư công đang có những chuyển biến tích cực dưới sự chỉ đạo đốc thúc sát sao của Chính phủ. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp vòng quay tiền nhanh hơn, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hiệu quả kinh tế tổng thể.