Xuất khẩu cà phê hưởng lợi vì giá tăng, thị trường Nhật Bản thành ‘điểm sáng’ mới

Trang Mai 13:36 | 25/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán cao.

Xuất khẩu cà phê hưởng lợi từ giá tăng

Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu cà phê ước tính khoảng 1,2 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao. 

Như vậy, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn, giảm 10 – 15% so với niên vụ 2021-2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn và dự kiến chỉ có thể cải thiện kể từ tháng 11 tới khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2023-2024 được đưa vào thị trường.

Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn.

Nhu cầu từ các thị trường lớn biến động trái chiều

8 tháng đầu năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Trong đó, EU chiếm tới gần 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu với 455.111 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ cà phê của châu Âu.

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam tại EU gồm Đức đạt 145.896 tấn, giảm 9,2%, Italy 114.030 tấn, tăng 17%, Tây Ban Nha 65.932 tấn, giảm 23%, Bỉ 48.906 tấn, giảm 51,3%…

Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường đứng thứ hai là Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ lên 90.151 tấn, chiếm 7,5% thị phần.

Lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng khá tích cực như: Algeria tăng 71,4%, Mexico tăng 45,6%, Hàn Quốc tăng 14,3%, đặc biệt Indonesia tăng tới 157,8%…

Đáng chú ý, Nhật Bản (thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng sau Đức, Mỹ, Italia) trở thành “điểm sáng” khi sản lượng xuất khẩu trong 8 tháng đạt 79.000 tấn, trị giá 219 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta sang thị trường này đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt xấp xỉ 207.400 tấn, trị giá 873 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung lớn chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính là do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Triển vọng cuối năm sẽ khả quan hơn do nhu cầu tăng. Nhật Bản cũng đã tăng nhập khẩu cà phê trở lại ngay trong tháng 7.

Về chủng loại, cơ cấu xuất khẩu cà phê Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang cà phê đã qua chế biến. 

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm robusta và arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ. Chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu cà phê arabica giảm 34,6%, trong khi robusta tăng 3,9%.

Sự chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta trong bối cảnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng arabica sang robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào robusta, và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.

 Top 5 quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Ảnh: MXV

Theo Bộ Công Thương, để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê, tập trung vào mặt hàngchế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..). Lý giải cho điều này, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), từ bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích trồng, cơn ác mộng dư cung, giảm giá sẽ quay trở lại. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận