Vì sao nhà đầu tư Mỹ liên tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư?
Ngọc Bảo 07:14 | 27/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Việt Nam đang là nơi thu hút các nhà đầu tư Mỹ và có cơ hội phát triển thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao. Tuy vậy, cơ hội này chỉ có thể kéo dài 1 – 2 năm, bởi Việt Nam không phải là nước có lợi thế duy nhất trong khu vực.
Tại Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” chiều 26/6, bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) cho biết, năm nào phái đoàn cấp cao Mỹ cũng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Hai năm gần đây đều ghi nhận sự tham gia phái đoàn đông kỷ lục, như năm 2023 có đoàn gồm gần 60 doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam – Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 9/2023, cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng và cũng chờ đợi những chính sách đột phá, thu hút, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
“Khi các doanh nghiệp này gặp lãnh đạo Chính phủ đều khẳng định Việt Nam đang nổi lên là điểm đến, là nơi thu hút các nhà đầu tư Mỹ và có cơ hội phát triển thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao”, bà Lâm chia sẻ.
Chưa dừng lại, bà Lâm cho biết, mới đây, USABC cùng Bộ Ngoại giao Mỹ khai trương sáng kiến “Phát triển mạng lưới đối tác tiến bộ công nghệ và điện tử toàn cầu” với mục tiêu Chính phủ Mỹ, doanh nghiệp Mỹ và các đối tác tham gia xây dựng đẩy mạnh nền tảng cung ứng, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, đưa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có thể kéo dài 1 – 2 năm, dòng vốn đầu tư cùng các nhà đầu tư cũng có hạn bởi Việt Nam không phải là nước có lợi thế duy nhất trong khu vực.
Dẫn chứng, theo bà Lâm, một năm trở lại đây thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng trong thu hút đầu tư của Malaysia, Indonesia, Singapore; trong khi nhiều nhà đầu tư đã tìm hiểu Việt Nam nhưng sau đó cũng đã có nhiều lý do để đầu tư ở thị trường khác.
“Điều đáng tiếc là con số đầu tư đó lớn mà khi họ lựa chọn đầu tư ở nước khác ngoài Việt Nam, sẽ thu hút các doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái tại quốc gia đó”, bà Lâm nêu rõ.
Cần có chính sách đột phá đồng bộ
Còn theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ Chính phủ đang quyết tâm tập trung cao độ trong việc giải quyết các “nút cổ chai” của nền kinh tế là kết cấu hạ tầng.
“Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang dồn vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, cảng biển, đường cao tốc kết nối trực tiếp. Khi các nền tảng đặt ra, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được mở ra”, ông Tú Anh rõ.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Tú Anh cũng lưu ý, khi tham gia vào chuỗi cung ứng này, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và lao động phổ thông; nhu cầu năng lượng lớn; và rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.
Cùng với đó, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Cụ thể, khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài “cuộc chơi” với yêu cầu cần giảm thiểu “dấu chân” carbon trong sản xuất.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ yêu cầu trong sản xuất đảm bảo giảm carbon không vượt quá chuẩn mực của các thị trường phát triển. Việt Nam từng bước xây dựng thị trường tín chỉ carbon và đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính của gần 2.000 doanh nghiệp.
“Cơ hội lớn đang mở ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cần nhìn trước những rủi ro, thách thức để có giải pháp khắc phục, nắm bắt cơ hội”, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện USABC cũng cho rằng doanh nghiệp không thể tự làm một mình, doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế không thể so sánh với các “gã khổng lồ”. Ví dụ như các thành viên trong chuỗi giá trị của Apple hiện cũng chưa có nhiều doanh nghiệp Việt.
Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đột phá đồng bộ, nhất là khi các quốc gia xung quanh có chính sách mạnh mẽ và táo bạo. Chẳng hạn như cho phép thử nghiệm các sandbox tạo thu hút trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển ngành bán dẫn,…
Còn các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy, chuẩn bị cho bước chuyển mình, nắm bắt các xu thế như tín chỉ xanh, kinh tế số… để nắm bắt xu thế mới, tăng cường xuất khẩu hàng hoá, tạo cho doanh nghiệp thế mạnh về cạnh tranh.