VCBS: Tăng trưởng kinh tế quý III/2023 có thể đạt 5,5%-6%
Lạc Lạc 09:20 | 09/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Dù chưa thể thoát khỏi “cơn bão” bao phủ kinh tế toàn cầu, thế nhưng đã có những dấu hiệu kinh tế tích cực trong tháng 7 để hy vọng tình hình khả quan hơn những tháng cuối năm 2023.
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố của Chứng khoán VCBS, các yếu tố tác động đến GDP Việt Nam năm 2023 là mức bán lẻ hàng hoá sẽ tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt tại dịch vụ lữ hành, lưu trú. Tiếp đó là sản xuất công nghiệp với chế biến chế tạo và khai khoáng ghi nhận giảm. Cuối cùng là môi trường chính sách với quyết tâm và hành động của Chính phủ. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng tiềm năng. Đơn vị này dự báo GDP cả năm 2023 sẽ đạt 5%-5,5%.
Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán cũng nhận định trong năm 2023, áp lực lạm phát không còn lớn. Theo đó, đây là cơ sở để ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó. Từ đó, lạm phát bình quân cả năm 2023 có thể đạt quanh ngưỡng 3%.
Phân tích tình hình kinh tế tháng 7, VCBS nhận định hoạt động sản xuất trong nước còn gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn chưa vượt ngưỡng 50 điểm, chỉ số PMI tháng 7 đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6.
Đây cũng là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 512.200 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Chỉ số PMI tháng 7 đạt 48,7 điểm, tăng từ mức 46,2 điểm của tháng 6. Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD.
Sự suy giảm này cho thấy những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu hàng hóa thế giới giảm, đơn hàng ít đi, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu chưa thể hồi phục.
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ tổ chức ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực.
Với tình hình này, VCBS cho rằng sẽ mất thêm thời gian trước khi các đơn hàng có thể tăng trở lại. Theo đó tăng trưởng chỉ phục hồi mạnh mẽ từ quý IV.
Nhìn nhận thấy các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công (trọng điểm các dự án hạ tầng tăng cường kết nối vùng), giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tăng lương cơ bản vào tháng 7,…
Với chính sách tiền tệ, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2023 dù thấp hơn so với mục tiêu, chỉ ở mức 6% thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý IV phải đạt 9%. Còn nếu muốn đạt mục tiêu 6,5% của Quốc hội thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải 7,4% và quý IV phải 10,3%. Đây là những con số khá thách thức đối với kinh tế Việt Nam trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và kinh tế trên thế giới.