TS. Lê Xuân Nghĩa: Tỷ giá tăng không quá xấu vì một phần do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào
Hạ An 12:40 | 19/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm là một phần lý do khiến tỷ giá tăng cao. Vì vậy, vấn đề tỷ giá không quá đáng ngại.
Sau 4 phiên tăng liên tiếp vào đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã giảm nhẹ 5 đồng về mức 23.946 đồng trong ngày 18/8.
Với biên độ 5%, giá USD được phép giao dịch tại các ngân hàng thương mại hiện dao động 22.748 – 25.143 đồng. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã niêm yết giá mua bán USD tại Sở giao dịch là 23.400 – 25.093 đồng, giữ nguyên giá mua và giảm nhẹ giá bán 5 đồng so với hôm qua.
Nhập khẩu nguyên vật liệu gia tăng gây áp lực lên tỷ giá
Đánh giá về diễn biến này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, đúng là tỷ giá đã tăng nóng trong giai đoạn gần đây nhưng điều này không quá đáng ngại.
Theo ông, đồng USD đã tăng khoảng 3% so với cách đây khoảng ba tuần, nguyên nhân đầu tiên do bản thân đồng USD tăng và nguyên nhân thứ hai xuất phát từ yếu tố nội địa khi nhu cầu về tỷ giá tăng do các doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu nguyên nhân đầu vào.
Với nguyên nhân thứ nhất, đồng USD mạnh lên khi Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất và chưa thể xác định khi nào sẽ dừng lại. “Tuy nhiên, tỷ giá năm nay giảm do USD khó sốt trở lại khi Fed có khả năng dừng tăng lãi suất và NHNN có thể có thêm dư địa giảm lãi suất điều hành”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Nguyên nhân thứ hai, là do một số yếu tố nội địa, khi nhu cầu về tỷ giá gia tăng, trong khi đó, lãi suất tiền đồng lại giảm đi khiến tỷ giá hối đoái tăng lên.
Ông Nghĩa lý giải, nguyên nhân sâu xa là do nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ bên ngoài đang có xu hướng tăng. Đồng nghĩa với việc nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện tăng lên, kỳ vọng sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi Việt Nam có sự phục hồi trong ngành sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Tỷ giá có thể biến động đôi chút nhưng để phục vụ việc nhập khẩu nguyên liệu, qua giai đoạn này tỷ giá sẽ tự động hạ nhiệt.
Theo số liệu mà S&P Global công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6. Kết quả lần này cho thấy các điều kiện hoạt động đã suy giảm tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù lần suy giảm này chỉ là nhẹ và là nhẹ nhất trong thời kỳ này.
Mặc dù, PMI vẫn dưới 50 điểm nhưng việc tiến sát đến mốc này cho thấy nỗ lực không nhỏ của nền sản xuất của Việt Nam.
“Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian năm tháng. Các doanh nghiệp kỳ vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, tỷ giá tăng cao sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu nhưng nếu thấp quá thì không có lợi cho xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam cần ưu tiên nhiều hơn cho xuất khẩu. Vì vậy, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn.
Báo cáo của Ngân hàng HSBC cũng nhận định, biến động tỷ giá chỉ là ngắn hạn và tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá lại.
Sau một quý II dao động trong vùng giá tương đối ổn định, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng nửa đầu tháng 8 đã bật tăng từ mức giá 23.700 – 23.750 lên mức 23.950 – 24.000, tương đương với mức mất giá 1,2% của tiền đồng và là mức tăng cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Theo các chuyên gia từ ngân hàng này, giá USD tăng tuần qua phần lớn đến từ những biến động trên thị trường quốc tế. Những số liệu kinh tế cho thấy Mỹ chưa có dấu hiệu suy thoái, mặt bằng lãi suất của Mỹ và chỉ số USD Index tăng trở lại.
Tuy nhiên vào cuối năm, đồng USD được dự báo sẽ yếu trở lại khi Fed dừng tăng lãi suất và có thể đảo chiều chính sách tiền tệ.
Rủi ro đảo chiều chính sách tiền tệ có xảy ra?
Đánh giá tỷ giá không quá quan ngại nên TS. Lê Xuân Nghĩa vẫn giữ quan điểm rằng không có lý do gì để Việt Nam đảo chiều chính sách tiền tệ trong lúc này.
Mặc dù đi người với hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới song theo chuyên gia có hai nguyên nhân để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ ngược với phần lớn quốc gia là: Lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát và hạ lãi suất là việc buộc phải làm sau giai đoạn tăng cao, tức nới lỏng tiền tệ sau giai đoạn thắt chặt quá mức.
Hiện tại, lãi suất thực của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, như ở Mỹ lãi suất 5% nhưng lạm phát 3% thì vậy lãi suất thực là 2%, trong khi đó ở Việt Nam lãi suất của Việt Nam dù giảm xuống mức 7-8% thì với mức lạm phát 3% lãi suất vẫn ở khoảng 4-5%.
Ông cho rằng, Việt Nam mới đang trong giai đoạn giảm thắt chặt, chứ không hẳn là nới lỏng tiền tệ vì vậy cần tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân.
Đồng tình với quan điểm cần hạ lãi suất song theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, NHNN cần nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cho vay chứ không phải là lãi suất điều hành.
“Khi dòng vốn giá rẻ về nhiều, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh vào quý III, quý IV nên dù giai đoạn này NHNN có giảm lãi suất điều hành đi chăng nữa thì cũng không có nhiều tác động”, ông Huân nói và lưu ý, điều quan trọng hơn là cần giải quyết điểm nghẽn của chính sách tiền tệ là khả năng tiếp cận tín dụng.
Nếu doanh nghiệp và người dân không tiếp cận được tín dụng thì chính sách tiền tệ dù có nới lỏng hơn nữa cũng không mang lại hiệu quả đối với nền kinh tế.
Động thái nâng trần giá bán USD của NHNN theo các chuyên gia cũng cho thấy linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá dù giai đoạn này khá căng thẳng. Dù vậy cần tách các tác động đối với tỷ giá để phân tích xem nguyên nhân chính do cán cân tài khoản vốn đang âm hay do yếu tố mùa vụ.
“Nếu như cán cân tài khoản vốn âm thì cũng đáng lo ngại và cần có những biện pháp để xử lý trong thời gian tới”, ông Huân nói.