Triển vọng kinh tế nửa cuối năm: Chỉ số nào dễ đoán, lĩnh vực nào tăng trưởng vẫn là ẩn số?
Anh Đào 15:03 | 23/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Việt Nam gần như chắc chắn không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay, tuy nhiên lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, khu vực sản xuất, xuất khẩu khó dự đoán hơn khi phụ thuộc nhiều vào diễn biến bên ngoài.
Tăng trưởng GDP cả năm khó đạt 6%
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2023 ướctăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP 6 tháng ước tăng 3,72%. Cả hai chỉ số đều chỉ cao hơn tốc độ tăng của quý II và 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Với kết quả tăng trưởng như vậy, giới chuyên gia đều chung nhận định để đạt được tăng trưởng cả năm 6-6,5% là khá khó khăn.
Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật mới đây, để tăng trưởng cả năm đạt 6%, tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản thứ hai để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Nhìn từ số liệu tăng trưởng GDP theo quý từ năm 2021 đến nay, Việt Nam cũng từng nhiều lần đạt tăng trưởng quý III cao hơn mức 6,8%. Tuy nhiên chưa từng khi nào tăng trưởng quý IV cao hơn 8%, mức cao nhất là 7,65% hồi quý IV/2017.
Tại tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 được tổ chức mới đây, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định “gần như không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay” khi nhìn vào thực trạng doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong khi đó số doanh nghiệp mới gia nhập tiếp tục xu hướng giảm.
Ngoài ra, các trung tâm tăng trưởng cũng đang khó khăn. Chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế về công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6% là rất thách thức khi tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Ông cũng cho rằng Việt Nam phải dần quen với khái niệm tăng trưởng thấp ổn định, hay tăng trưởng phù hợp nhất với điều kiện thực tế, kinh tế chỉ có thể tăng trưởng cao trở lại như xưa nếu có các giải pháp mang tính đột phá.
Dự báo cả năm, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam có thể đạt 5,8%.
Standard Chartered mới đây hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 5,4% từ mức 6,5% trước đó. Ngân hàng cũng thận trọng hơn trước việc dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn
Về phía các tổ chức trong nước, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 4,5-5%; VNDirect dự báo mức 5,5%; Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo 5%.
Lạm phát không phải là rủi ro
Chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29%. Riêng tháng 6 CPI tăng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và tiêu dùng nội địa yếu.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của KBSV dự báo lạm phát 2023 cả năm chỉ tăng 2,8%.
“Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi kỳ vọng lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp hơn hẳn so với mục tiêu Chính phủ đề ra”, các chuyên gia tại đây cho hay.
KBSV cũng đề cập đến một số yếu tố có thể khiến lạm phát tăng gồm giá dầu dự báo tăng khoảng 5%; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng 2-3%; giá lợn dự kiến tăng lên 65.000/kg vào thời điểm cuối năm; tăng giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (học phí giáo dục, điện, nước), và tăng lương cơ bản.
Ở chiều hướng tích cực, khối phân tích cho rằng những yếu tố hỗ trợ như cung tiền tăng thấp, giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn và tổng cầu nội địa dù hồi phục nhưng vẫn ở mức thấp sẽ giúp kiềm hãm đà tăng của lạm phát.
Trong báo cáo mới công bố. VNDirect cũng khẳng định lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát trong nửa cuối năm 2023.
“Khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, Chính phủ có thể xem xét nới lỏng chính sách tài khóa nhiều hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ được kiểm soát do tổng cầu trong nước còn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp. Chúng tôi hạ dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2023 xuống 3,3%”, VNDirect cho hay.
Dù lạm phát tổng thể hạ nhiệt đáng kể, lạm phát cơ bản lại đang ở mức cao và tốc độ giảm tương đối chậm, lạm phát lõi bình quân 6 tháng tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia cho rằng đây là yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc để đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp nửa cuối 2023.
Giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ bứt tốc nửa cuối năm
Từ trước đến nay, đầu tư công được nhắc đến với vai trò là vốn mồi kích thích kinh tế. Trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện tại, đầu tư công vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.
Trong quý II, đầu tư công cũng thể hiện rõ vai trò của mình khi đóng góp nhiều cho tăng trưởng khu vực xây dựng, từ đó giúp kéo GDP quý thứ hai của năm tăng trưởng khả quan hơn quý I.
Theo Tổng cục thống kê, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 232.200 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ và bằng 33% kế hoạch Chính phủ giao.
Tiến độ giải ngân được đánh giá là khá tích cực khi vẫn tiếp tục đà tăng qua từng tháng, kỳ vọng sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong hai quý cuối năm.
Dự báo về lĩnh vực này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng chắc chắn 6 tháng cuối năm 2023, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ mạnh lên rất nhanh.
“Nhiều người có thể hơi bi quan về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm nhưng đấy là xu hướng mang yếu tố mùa vụ khá cao. Thông thường đầu năm chỉ giải ngân được 20-25%, chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công sẽ vào quý III, quý IV. Đây sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế nửa cuối năm”, ông nói.
Ẩn số thời điểm phục hồi của sản xuất, xuất khẩu
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mức giảm hai con số trong quý II, tốc độ giảm tương đương với quý I. Trong khi đó, chỉ số PMI trong tháng 6 tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm.
Báo cáo mới nhất của HSBC cho rằng Việt Nam đang phải vật lộn với những rủi ro gia tăng liên quan tới tăng trưởng, đặc biệt là từ chu kỳ thương mại.
“Dù thương mại không có dấu hiệu suy giảm thêm. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi chưa thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi”, HSBC nhận định.
Nói về lĩnh vực xuất khẩu, HSBC cho hay điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác. Các lô hàng lớn, bao gồm điện tử tiêu dùng, dệt may/giày dép, máy móc và đồ nội thất gỗ, đều suy giảm hai con số. Điều này chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm, vì Mỹ là thị trường nhập chính đối với hầu hết các sản phẩm.
Tính tới thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay đã giảm với mức 20% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.
Theo HSBC, câu hỏi quan trọng đặt ra cho ngành sản xuất của Việt Nam là khi nào chu kỳ thương mại toàn cầu sẽ thay đổi. Các chỉ số PMI hàng đầu cho thấy không có cải thiện trong tương lai gần, khi nhu cầu thương mại đảo chiều tiếp tục gây áp lực lên các đơn đặt hàng.
HSBC dự báo những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại sẽ diễn ra vào khoảng quý IV, nhưng sẽ theo hướng ổn định trước rồi mới xuất hiện bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào đối với các lô hàng.
“Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi trở nên nghiêm trọng hơn vào quý III/2023”.
Nhận định lạc quan hơn, VNDirect cho rằng tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý I/2023 và dự kiến giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý IV do tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu.
Về chỉ số PMI, thống kê của KBSV cho biết, trong tháng 6, chỉ có 11 trên 29 quốc gia ghi nhận PMI tăng trưởng. Các nền kinh tế lớn khác cũng cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Cụ thể, tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất thấp nhất trong 6 tháng, đạt 46,3 trong bối cảnh cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm.
Điều này còn trầm trọng hơn tại khu vực EU khi áp lực từ lạm phát cao và chính sách diều hâu từ ECB khiến chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt 43,4.
Ở hướng tích cực, Trung Quốc – công xưởng của thế giới ghi nhận PMI sản xuất đạt 50,5, cao hơn dự đoán của thị trường nhưng dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa ổn định.
KBSV dự báo tình hình sản xuất tại Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn suy giảm nhẹ trong thời gian tới do áp lực cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất nước ngoài và các chính sách hỗ trợ cần có thời gian để tác động tới thị trường.
Ở chiều ngược lại, tiêu dùng tích cực hơn trên toàn cầu là động lực giúp tình hình sản xuất cải thiện. Số liệu xuất khẩu quý II có sự hồi phục nhẹ so với quý I (sau khi giảm 4 quý liên tiếp trước đó), củng cố kỳ vọng tình hình sản xuất có thể bớt ảm đạm hơn trong các tháng tới.