TPBank sẽ chia cổ tức tỷ lệ 39,19%, mua lại công ty quản lý quỹ

(HQ Online) – Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được tổ chức vào ngày 26/4/2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.

Ngân hàng đặt nhiều “tham vọng” với mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận cổ tức bằng tiền mặt
Công ty tài chính HAFIC lọt “tầm ngắm” của TPBank, AFS và KB Kookmin Card
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú phát biểu tại ĐHĐCĐ.
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú phát biểu tại ĐHĐCĐ.

Năm 2022, TPBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế 7.828 tỷ đồng, tăng 30%, tổng tài sản tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329.000 tỷ đồng.

Vì thế, năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11%, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế đạt 215.755 tỷ đồng, tăng 18%. Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tùy theo hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu cho vay kiểm soát dưới 2,2%.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, nhận diện thị trường chung sẽ có nhiều khó khăn tới từ cả các yếu tố trong và ngoài nước, ngân hàng đặt mục tiêu ở mức hợp lý để có thể tăng trưởng bền vững. Dự kiến tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14% và có thể điều chỉnh thêm dựa trên cơ sở là ngân hàng có nền tảng hoạt động tốt, chất lượng tín dụng tích cực.

Tại báo cáo tài chính quý 1/2023 mới công bố, kết quả kinh doanh của TPBank đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần sụt giảm 3,34% so với cùng kỳ, ở mức 2.737 tỷ đồng do chi phí lãi, đặc biệt là trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi cho vay tăng với mức độ ít hơn. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36%, đạt 695 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 370% lên 151 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản TPBank đạt 343.522 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3%, tiền gửi khách hàng tăng 3,1%. Đáng chú ý, nợ xấu của TPBank tăng 84% trong 3 tháng lên 2.496 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên mức 1,44% so với mức 0,84% hồi cuối năm 2022.

Giải thích về lý do nợ xấu tăng lên, ông Nguyễn Hưng cho hay, cơ cấu nợ trong hệ thống của TPBank không có nhiều biến động, nhưng theo quy định về thông tin tín dụng tại CIC thì khi khách hàng có nợ xấu tại ngân hàng khác, TPBank cũng phải phân loại nợ của khách hàng đó lên nhóm nợ cao hơn, dù khoản vay tại TPBank vẫn đang được trả đầy đủ. Tuy nhiên, TPBank đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cũng như có kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thu hồi nợ.

ĐHĐCĐ TPBank đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 39,19% để tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. Nguồn để thực hiện tăng vốn được lấy từ lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 (hơn 1.536 tỷ đồng), thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Theo phương án này, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thực hiện trong năm 2023, thời gian cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Ban lãnh đạo TPBank cho biết, việc tăng vốn nhằm giúp đáp ứng các yêu cầu của NHNN về nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng để phát triển mạng lưới chi nhánh, mở rộng thị phần và quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng…

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Trả lời cổ đông về việc hình thành hệ sinh thái tài chính, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, ngân hàng đã có báo cáo cổ đông về việc tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Handico (HAFIC), nhưng theo phương án hỗ trợ, doanh nghiệp này tự phục hồi. Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, khi các thủ tục hoàn tất thì TPBank sẽ có thêm một công ty tài chính vào hệ sinh thái. Ngoài ra, việc mua lại công ty quản lý quỹ, góp vốn vào công ty chứng khoán cũng hướng tới mục tiêu mở rộng hệ sinh thái tài chính cho TPBank.

Cũng tại Đại hội, chia sẻ với cổ đông về tình hình trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hưng cho hay, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng đều có tài sản bảo đảm và đều có sự quản lý nghiêm ngặt như các khoản vay. Việc trích lập dự phòng và phân loại nợ được thực hiện theo đúng yêu cầu quy định của NHNN. Các khoản trái phiếu này không có quá nhiều, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ và đều được quản lý tốt và không có vấn đề gì xấu xảy ra với các khoản này.

Liên quan đến việc cung cấp tín dụng cho dự án The Grand Manhattan của Novaland, Tổng giám đốc TPBank cho biết, đây là 1 trong 7 dự án được UBND TPHCM ưu tiên tháo gỡ. Đến nay, đây là dự án duy nhất đã được tháo gỡ pháp lý và đã hoàn thành phần cất nóc cũng như triển khai kinh doanh tiếp. Dự án đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% còn lại nên dù giảm giá xuống đến mức tối đa của thị trường vẫn thừa khả năng trả nợ.

Hương Dịu

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận