Số liệu vĩ mô 6 tháng đã được công bố, các CTCK điều chỉnh dự phóng tăng trưởng GDP cả năm ra sao?
Diên Vỹ 08:15 | 12/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Nhìn lại nửa đầu năm, Chứng khoán BSC cho rằng tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng thấp hơn kỳ vọng chủ yếu do các tác động bên ngoài.
Động lực tăng trưởng nửa đầu năm chưa rõ ràng, nhiều tổ chức điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm
Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng đạt 3,72% – chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong 12 năm gần nhất, giới chuyên gia nhìn chung thống nhất nhận định việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm nay là thách thức lớn. Nhiều công ty chứng khoán và tổ chức phân tích đến nay đã công bố điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm do kỳ vọng triển vọng phục hồi kinh tế nhiều thách thức hơn.
Theo đó, trong báo cáo vĩ mô vào đầu tháng 7, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng kỳ vọng hợp lý cho tăng trưởng GDP cả năm nay là khoảng 4,5-5%, tương đương mức tăng trưởng nửa cuối 2023 ước khoảng 5,2-6,1%. Con số này đã được điều chỉnh so với mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 5% tại báo cáo hồi tháng 4 và 5,6% tại báo cáo hồi đầu năm nay của VDSC.
Theo nhóm phân tích, dự kiến mức tăng trưởng kinh tế quý III này nhiều khả năng vẫn thấp, ước khoảng 3,5-4% trong bối cảnh điều kiện khu vực sản xuất không nhiều cải thiện trong khi khu vực dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Cùng đó là hiệu ứng so sánh với mức nền cao của năm ngoái. Bước sang quý IV, mặc dù hiện chưa có nhiều chỉ báo để kỳ vọng bước cải thiện đáng kể trong tăng trưởng, nhưng dựa trên một số yếu tố lạc quan nhất định gồm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng cải thiện nhờ chính sách, đầu tư công tăng tốc kết hợp với mức nền thấp của quý IV/2022, nhóm cho rằng tăng trưởng kinh tế quý cuối năm có thể sẽ là mức tốt nhất trong cả năm.
Tương tự, Chứng khoán BSC trong báo cáo vĩ mô hôm 10/7 cũng điều chỉnh hạ dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay ở cả hai kịch bản tích cực và tiêu cực. Trong kịch bản tích cực, nhóm phân tích hạ dự phóng tăng trưởng từ mức 5,5% trong dự báo hồi tháng trước xuống 5%. Ở kịch bản tiêu cực, tốc độ tăng trưởng dự phóng hạ xuống 3,7% từ mức 5,4% của tháng trước. Điểm sáng là với kỳ vọng môi trường kinh doanh cải thiện hơn trong 2024, Chứng khoán BSC đã nâng dự phóng tăng trưởng GDP năm sau ở kịch bản tích cực từ 6,2% lên 6,5%.
Nhìn lại nửa đầu năm, BSC cho rằng tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng thấp hơn kỳ vọng chủ yếu do các tác động bên ngoài. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU,… đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Điều này khiến cho cầu hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, ảnh hưởng tới mảng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Báo cáo mới của Chứng khoán Vietcap cập nhật ngày 7/7 cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 6,0% xuống 5,0% và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7,0%. Nhóm phân tích lý giải nguyên nhân hạ dự báo là do tác động mạnh hơn dự kiến từ nhu cầu toàn cầu yếu đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 và khả năng phục hồi dự kiến yếu hơn trong nửa cuối năm 2023 so với dự báo trước đây, trước khi phục hồi vào năm 2024.
Tương ứng với việc hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay, nhóm phân tích cũng giảm dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cả năm xuống lần lượt -7,3% và -10,1% (so với mức giảm 2,5% cho cả xuất khẩu và nhập khẩu từ dự báo trước đây), dẫn đến dự báo thặng dư thương mại đạt 21,8 tỷ USD trong năm 2023 (so với mức 12,2 tỷ USD trước đây) do đơn hàng nước ngoài sụt giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu mạnh hơn so với dự kiến trước đây. Dự báo kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu sẽ lần lượt phục hồi 10,3% và 12,6% vào năm 2024, chậm hơn so với các dự báo trước đây là 14% và 13,5%.
Theo Chứng khoán Vietcap, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023 bao gồm: (1) Hỗ trợ tài khóa (gia tăng giải ngân đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm phí, lệ phí, tăng lương cơ bản, cùng các chính sách hỗ trợ khác); (2) Chính sách nới lỏng tiền tệ từ NHNN – việc cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2023 sẽ giúp hạ lãi suất cho vay ngân hàng thêm trong nửa cuối năm 2023; (3) Du lịch – lượng khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc tiếp tục phục hồi, sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023; và (4) Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể duy trì ổn định do Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Chia sẻ góc nhìn thận trọng này, trong báo cáo kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5,4% từ mức 6,5% trước đó.
Phía Standard Chartered cho hay điều này phản ánh quan điểm thận trọng hơn trước việc dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn. Các chuyên gia đồng thời điều chỉnh hạ dự báo lạm phát năm 2023 xuống mức 2,8 % so với mức 4,3% trước đó.
Trong một nhận định liên quan, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam từ Standard Chartered vẫn bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong trung hạn khi nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa. Lượng khách du lịch liên tục phục hồi sẽ hỗ trợ cán cân dịch vụ.
Dư địa giảm lãi suất dần thu hẹp, đã đến lúc chính sách tài khóa phát huy vai trò lớn
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 kịch bản tăng trưởng vừa được Bộ này cập nhật, dù ở kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng kinh tế quý III phải đạt 6,8%, quý IV phải đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0% mới đạt mục tiêu.
Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
“Đây là thách thức rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/7.
Thực tế, từ cuối năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chững lại tác động lớn tới động lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư công 727 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, cao hơn 38% so với kế hoạch năm 2022, gia hạn nộp thuế phí lên đến 6 tháng, giảm thuế GTGT 2% (từ 10% xuống 8%) cho nhiều lĩnh vực trong nửa cuối năm 2023 và giảm 36 loại phí, lệ phí trong nửa cuối năm 2023. Cùng đó, NHNN đã 4 lần hạ các lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2023, tạo động lực cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dư địa của chính sách tiền tệ đang cạn dần sau 4 lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp. Trong bối cảnh như vậy, việc tập trung hơn vào các chính sách tài khóa là cần thiết.
Trong báo cáo thị trường tháng 7, Quỹ SGI Capital nhận định rằng nhìn chung, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa giảm lãi suất cho tới khi FED dừng tăng lãi suất.
Theo quỹ này, trong nửa đầu 2023, việc lạm phát hạ nhiệt và đồng Việt Nam ổn định đã tạo dư địa cho NHNN hạ mạnh lãi suất và tăng thanh khoản cho toàn hệ thống. Theo đó, các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý II/2022. Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng đưa chênh lệch lãi suất ngắn hạn của USD và VND ở mức cao nhất lịch sử và VND hiện đang thuộc nhóm các đồng tiền mạnh nhất khu vực. Tính từ thời điểm FED bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022, VND chỉ mất giá 3% trong khi JPY giảm 25%, CNY giảm 15%…
Theo nhóm phân tích của SGI Capital, về cung cầu ngoại tệ, mặt tích cực so với 2022 là cán cân tổng thể nửa đầu năm 2023 đang thặng dư tốt từ cả thương mại, kiều hối, FII và FDI. Nhưng huy động USD giảm mạnh (-9,81%) và cho vay USD tăng vọt (+13,68%) trong hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm cũng tiềm ẩn rủi ro mất cân đối cung cầu ngoại tệ khi xu hướng này đảo chiều với điều kiện kích hoạt là USD-Index tăng mạnh trở lại. Trong tình huống này, SGI Capital cho rằng NHNN sẽ phải lựa chọn ưu tiên giữa duy trì lãi suất thấp và bán can thiệp để ổn định tỷ giá hoặc nâng lãi suất ngắn hạn để bảo vệ sức hấp dẫn của VND và duy trì dự trữ ngoại hối.
Nhìn chung, mặc dù cho rằng NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SGI Capital nhận định sau khi lãi suất điều hành hạ mạnh (top đầu thế giới) trong những tháng qua, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa giảm cho tới khi FED dừng tăng lãi suất do áp lực tỷ giá đang tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nới lỏng tiền tệ vẫn sẽ thể hiện qua lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, qua đó tác động tích cực lên thị trường tài chính và kinh tế thực.
Tại tọa đàm “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 11/7, GS TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần quan tâm và tập trung hơn nữa đến chính sách tài khoá.
Theo ông Tô Trung Thành, các chính sách hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm thiên về tiền tệ như hạ lãi suất, tín dụng, thế nhưng về phía tổng cung, có thể thấy doanh nghiệp vẫn khó khăn. Điều này phản ánh mức hấp thụ của doanh nghiệp đang khá kém. Vị chuyên gia này nhận định việc giảm lãi suất không phải là vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thêm nữa, nếu quá lạm dụng các chính sách tiền tệ, trong khi khu vực doanh nghiệp yếu để hấp thụ tín dụng thì có thể dẫn đến không thúc đẩy được sản xuất của doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cũng như rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ.
Tương tự, trong cuộc trao đổi với TTXVN mới đây, ông Paulo Medas – Trưởng đoàn đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định việc lãi suất giảm đến mức kỷ lục đang gây áp lực lớn đối với thị trường ngoại hối và tỷ giá; và dư địa của chính sách tiền tệ nới lỏng tại Việt Nam đã gần như không còn.
Theo ông Paulo Medas, trong những tháng qua, NHNN đã có thể kiểm soát cả áp lực về giá cả và thanh khoản trong một môi trường đầy thách thức. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và các nỗ lực tiếp tục hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ có thể sẽ mang lại các lợi ích đáng kể. Trong khi đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này có thể sẽ kém hiệu quả hơn và tạo thêm rủi ro. Bởi lãi suất trên toàn cầu dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài và các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi cao.
“Vì vậy trước mắt, để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, chính sách tài khóa cần phải có vai trò lớn hơn… Khi rủi ro từ bên ngoài vẫn đang trực chờ thì chính sách tài khóa với công cụ về đầu tư công, chi tiêu chính phủ cần phải chứng tỏ được vai trò to lớn của mình”, ông Paulo Medas nhận định.
Trong nhận định tại báo cáo vĩ mô công bố hồi đầu tháng 7, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng trưởng GDP các quý tiếp theo. Theo MAS, Chính phủ hiện đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng còn lại đang suy yếu. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ khu vực nhà nước tăng 12,6% so với cùng kỳ, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; trong khi đó, vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI chỉ tăng lần lượt 2,1% và 1,7%. Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm ước tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 215,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
“Theo tính toán của chúng tôi, để đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, thì bình quân 7 tháng còn lại (đến hết tháng 1/2024-PV) phải giải ngân mỗi tháng ít nhất từ 65 đến 70 nghìn tỷ đồng (gấp 1,4 – 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân trong quý II/2023). Khi đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, số vốn giải ngân đầu tư công năm nay có thể tăng đến 18,8 – 25,1% so với cùng kỳ”, nhóm phân tích MAS ước tính.