Nỗ lực đưa hàng Việt lên kệ siêu thị ngoại
03/06/2023 10:20 AM
(Chinhphu.vn) – Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, làm thế nào để nâng được tỷ lệ hàng Việt tại các kênh siêu thị nước ngoài, đã đặt ra cho các nhà sản xuất và phân phối trong nước những đòi hỏi khắt khe hơn.
Hằng năm, hàng loạt hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) giới thiệu tới người tiêu dùng Nhật Bản thông qua chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, qua đó hướng tới đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon) Shiotani Yuichiro, hiện sản phẩm may mặc chiếm 60%, sản phẩm gia dụng chiếm 30% tổng sản phẩm Aeon Topvalu Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới.
Hàng Việt mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa đủ kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu khó khăn này.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí mà nhà bán lẻ đặt ra cũng như dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và của cơ quan quản lý nhà nước.
Chính vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất. Cụ thể, mẫu mã bao bì sản phẩm phải có sự bắt mắt, các tiêu chí trên bao bì đáp ứng quy định ghi trên nhãn mác… Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu.
“Ngoài ra, trên hầu hết sản phẩm, hàng hóa, nhất là với hàng hóa thực phẩm đều phải được thực hiện dán tem QR Code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối”, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Xuất khẩu Tập đoàn Mega Market Trần Chí Cường, quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt thông qua hệ thống siêu thị Mega Market cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm mình chưa tốt, cương quyết không thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán.
“Một số doanh nghiệp sản xuất nội thất mong muốn trở thành nhà cung ứng hàng hóa, nhưng sản lượng không nhiều, tính chuyên nghiệp hóa không cao nên không thể là nhà cung ứng hàng hóa cho siêu thị”, ông Cường nêu rõ.
Phân tích nguyên nhân khiến hàng Việt khó lên kệ siêu thị nước ngoài, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng, cũng như khả năng tài chính, cho nên không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối. Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hóa dẫn tới giao thương chưa đạt hiệu quả cao.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.
TIN LIÊN QUAN
- Cần cơ chế, chính sách phát triển siêu thị, trung tâm thương mại
- Doanh nghiệp Việt tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài
Thông qua việc thực hiện, TP. Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc thực hiện đề án sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. Đồng thời thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh, sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội.
Thùy Linh