Những yếu tố tích cực cho tăng trưởng GDP năm 2024
Trang Mai 13:50 | 10/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Dự báo cho tăng trưởng kinh tế quý IV và năm 2024 của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt khoảng 5%, sau đó tăng lên 6-6,5% vào năm 2024.
Nền kinh tế trong tháng đầu của quý cuối năm diễn biến chậm nhưng đã tích cực
Trong báo cáo vĩ mô triển vọng kinh tế cuối năm và một số kỳ vọng về năm 2024 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng lĩnh vực sản xuất trong tháng 10 không thực sự khởi sắc khi tham chiếu với mức tăng thấp của cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,1%, cần lưu ý rằng tháng 10/2022 chỉ số này chỉ tăng 5,5% và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,3% của tháng 9/2022 do nhu cầu thế giới giảm sâu trong quý cuối năm ngoái. Mặc dù thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước nhưng số liệu tháng 9 lại được điều chỉnh giảm mạnh từ số liệu sơ bộ là 5,1% xuống chỉ còn 2,9%. Tính chung 10 tháng 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,5% so với cùng kỳ, nhích tăng nhẹ so với mức tăng 0,3% của 9 tháng 2023.
Công ty chứng khoán nhận định, diễn biến này cũng tương đồng với kết quả khảo sát PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 khi sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đặc biệt, thống kê cho thấy nhu cầu đơn hàng mới phục hồi với tốc độ chậm. Và mặc dù tâm lý lạc quan về triển vọng một năm tới được tái khẳng định thì những thông điệp từ báo cáo PMI tháng 10 cho thấy sự bấp bênh về triển vọng phục hồi trong ngắn hạn, chẳng hạn như “khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới” hay “nỗ lực tăng mua hàng không có kết quả khi tồn kho hàng mua tiếp tục giảm”. Chỉ số PMI tháng 10 ghi nhận ở mức 49,6 điểm, không thay đổi nhiều so với mức 49,7 điểm trong tháng 9.
Trong hoạt động thương mại, tăng trưởng tiếp tục cải thiện ở hai chiều xuất và nhập khẩu. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong tháng 10 đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ và tăng 5,3% so với tháng trước nhờ sự phục hồi tiếp tục của xuất khẩu hàng điện tử (+8,3% so với cùng kỳ) trong khi các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, thuỷ sản, giày dép vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm. Nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 29,3 tỷ $, tăng 5,2% so với cùng kỳ và 2,9% so với tháng trước, đáng chú ý là nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,4% so với cùng kỳ cho thấy triển vọng tích cực hơn về tăng trưởng xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2023.
Trong một cái nhìn tích cực, tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 do VietnamBiz phối hợp cùng CFO Việt Nam tổ chức ngày 9/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định kết quả xuất khẩu tháng 10 cho thấy tín hiệu phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Tồn kho ở các thị trường giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan khi thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực.
Mặt khác, hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đều cùng phục hồi.
Ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc. Trường hợp, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024.
“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 – 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.
Chặng đường nước rút cuối năm và chuẩn bị cho năm 2024
Trong báo cáo trình kỳ họp Quốc hội thứ 6 – Khoá XV đang diễn ra, Chính phủ đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt khoảng 5%, sát với kỳ vọng chung của thị trường. Tăng trưởng GDP quý IV dự kiến sẽ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ.
VDSC đánh giá dự báo này dựa trên việc lĩnh vực sản xuất công nghiệp cuối năm cải thiện so với các quý trước và được hỗ trợ bởi mức nền thấp của cùng kỳ (trong quý IV/2022, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đạt 3%, thấp hơn mức tăng 5,6% ghi nhận tại thời điểm quý III/2023) và đầu tư công tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Tính chung 10 tháng, đầu tư phát triển ước đạt 401.900 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục tăng khi giải ngân vào các dự án trọng điểm cuối năm.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 với đa số phiếu tán thành (90,49%). Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5%.
Theo đánh giá của VDSC, đây là một mục tiêu phù hợp dựa trên một số kỳ vọng: Lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu tiếp tục phục hồi ở mức vừa phải; chi đầu tư công dự kiến tăng thêm 13% so với kế hoạch ngân sách trình Quốc hội năm ngoái và tăng thêm 19% so với dự toán năm 2023, chưa kể phần vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa giải ngân hết được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, và niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng phục hồi khi mặt bằng lãi suất giảm kéo theo sự phục hồi hoạt động kinh tế trong nước tích cực hơn năm 2023.
Trong năm 2024, mục tiêu lạm phát dự kiến là 4-4,5%. Theo báo cáo mới đây của Worldbank, yếu tố chính tác động đến triển vọng thị trường hàng hoá năm 2024 chính là nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ yếu đi và kéo theo sự suy giảm của các loại hàng hoá từ năng lượng đến kim loại cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị ảnh hưởng lên giá dầu vẫn còn là ẩn số, giá dầu tăng mạnh sẽ tác động đến triển vọng của các hàng hoá khác từ lương thực đến kim loại. Trong kịch bản cơ sở, VDSC đánh giá mục tiêu của Chính phủ đối với lạm phát năm 2024 là tương đối thận trọng, lạm phát dự báo cho năm 2024 có thể thấp hơn so với mục tiêu, chỉ ở mức 3,5-3,8%.
Đối với chính sách tài khoá, theo ước tính của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4% GDP, thấp hơn so với kế hoạch là 4,4% GDP. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dự kiến chưa giải ngân hết trong năm 2023 và sẽ kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Đồng thời, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 giữ ở mức 3,6% GDP, không thay đổi so với kế hoạch ngân sách trước đây. Dự toán này được xây dựng trên cơ sở tiếp tục thực hiện mức thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn và thực hiện giảm 2% thuế suất VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong trường hợp được thông qua tại kỳ họp này, triển vọng chính sách tài khoá năm 2024 sẽ không có nhiều điểm đột phá trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi.
Đối với chính sách tiền tệ, một điểm đáng chú ý trong định hướng của Chính phủ trong năm 2024 là phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, cao hơn mục tiêu 14-15% đã đặt ra trong năm 2023. Nhìn lại thực tế tăng trưởng tín dụng hiện nay, tính đến 27/10/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 7,1% so với đầu năm, tương ứng với mức tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 theo VDSC sẽ tích cực hơn năm 2023 do mặt bằng lãi suất đã giảm là điều kiện cần, tuy nhiên điều kiện đủ là sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đáng lưu ý là tín dụng vay mua nhà. Đối chiếu với triển vọng cả năm 2024, công ty chứng khoán cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là tương đối tham vọng.