Nhìn từ Festival Phở 2024: Giữ được bí quyết riêng là yếu tố quan trọng để sống khỏe với nghề

Trang Mai 08:17 | 22/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận.

 Festival Phở 2024 được tổ chức ở làng Vân Cù (Nam Định) Ảnh: VNN

Hình thành và phát triển cùng những thăng trầm lịch sử, làng nghề chính là nơi lưu giữ nét tinh hoa văn hoá dân tộc. Tuy nhiên khi giao thương bùng nổ, đặc biệt là sự bùng nổ “cách mạng 4.0”, các làng nghề đứng trước thách thức phải thay đổi để bắt kịp yêu cầu của thị trường. Trong cuộc “chuyển mình” này, có làng nghề nắm bắt được cơ hội, nhưng cũng có làng nghề đang dần mai một… 

Festival Phở 2024 là cầu nối nhằm giới thiệu lại lịch sử món phở trứ danh, tái hiện và kết nối để phở Nam Định thêm khẳng định thương hiệu là một trong những món ăn lâu đời của người Việt, được sáng tạo bởi người làng Vân Cù. Sự kiện cũng có sự tham gia của các món phở đặc trưng khắp vùng miền trên cả nước như: Phở Thìn, phở ngô Hà Giang, phở chua Lạng Sơn, phở Atiso Đà Lạt, phở Lâm Đồng, phở sắn Quảng Nam, phở bột chuối xanh, phở Gia Lai… làm tiền đề cho việc đưa món phở trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên DNVN, chị Hoàng Minh Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Blue Việt Nam (một trong những đơn vị đồng tổ chức Festival Phở 2024) tâm sự: “Bản thân tôi là người đi rất nhiều, cả trong nước và ngoài nước, thì mình nhận thấy một điều là món ăn có thể gắn liền với một sự tôn vinh đó là phở”.

Khi tham gia một số chương trình xúc tiến thương mại với rất nhiều sản phẩm của Việt Nam để giới thiệu ra quốc tế, bản thân chị Phương nhận ra rằng ở Nhật Bản cũng có cả một đường về phở, Hàn Quốc cũng có dự án làm phố phở. Chị chia sẻ: “Nghề phở của Việt Nam cũng là một nghề cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát triển cả trong nước và quốc tế. Đây cũng là một điều thôi thúc để tôi đi xuyên suốt về vấn đề này và cố gắng để làm nên một điều gì đấy đối với cái nôi của phở – Nam Định”.

Sau sự kiện, chị Phương tâm sự điều duy nhất đạt được đó là “sự công nhận”. “Điều duy nhất chúng tôi đạt được ở đây là để người dân Việt Nam hiểu được một khái niệm: Phở cũng là một nghề đáng được tôn vinh và tôi cũng được rất nhiều người ủng hộ”.

Là người thích tìm tòi và nghiên cứu về làng nghề truyền thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Blue Việt Nam chia sẻ, các làng nghề truyền thống hiện tại cũng đang tìm tòi các hướng đi chuyển mình, bắt nhịp với dòng chảy của hiện đại. “Tuy nhiên, hiện tại đơn lẻ không thì bản thân người ta cũng rất khó khăn. Vậy nên rất cần những Hiệp hội, hướng đi của tất cả các sở, ban, ngành hay trung tâm để xúc tiến, định hướng cho doanh nghiệp, định hướng cho người nông dân để có thể phát triển, đưa sản phẩm lên một tầm cao mới”, chị Phương đề xuất. 

Chị T., chủ một cơ sở sản xuất miến tại làng So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự với phóng viên, là nghề truyền thống, cha truyền con nối nên nghề làm miến vẫn được người dân địa phương làm theo phương pháp thủ công truyền thống như tráng tay, phơi nắng mặt trời. Tuy nhiên, những năm gần đây, chị đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc hỗ trợ nên năng suất, mẫu mã đã được cải thiện đáng kể, mang lại nguồn thu nhập ổn định không những cho gia đình mà còn cho nhiều nhân công đang làm việc tại xưởng. 

Trong một góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, khác với những làng nghề thủ công, làng nghề ẩm thực như làng tương bần ở Hưng Yên hay làng phở Vân Cù giữ cho mình công thức, bí quyết riêng nên vẫn có sự “độc quyền” và có thể tồn tại.

Đề xuất một vài giải pháp để các làng nghề truyền thống tồn tại trước thách thức của thời đại, PGS. TS Bùi Xuân Đính đề xuất: “Thứ nhất là phải đổi mới máy móc và ứng dụng công nghệ, đây là yếu tố rất quan trọng. Những máy móc hiện đại sẽ thay thế cho các lao động, các thao tác thủ công ngày xưa. Ví dụ như việc sử dụng công nghệ 3D, đưa thông nghệ thông tin vào sản xuất.

Thứ hai là đội ngũ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đã đổi khác, không còn “đóng kín” như trước mà đã có sự liên kết. Gắn với đó là sự “giữ nghề” đã giảm rất nhiều, hình thành sự chuyên môn hoá giữa các làng nghề, các khâu để hạn chế sự độc quyền. Đương nhiên là vẫn có một số yếu tố thuộc về bí quyết riêng, nhất là trong khâu chế biến thực phẩm để mỗi cơ sở giữ được bản sắc riêng của mình.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận