‘Mùa vàng’ cho ngành gạo đang đến?

Trang Mai 18:10 | 22/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Trái ngược với dự báo tươi sáng với nhiều động lực tăng trưởng của ngành gạo trong quý IV và cả năm 2022, bao trùm lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán lại là một màu ảm đạm do hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh. Bước sang 2023, hàng loạt tín hiệu tích cực của thị trường quốc tế đã dự báo “mùa vàng” cho toàn ngành.

Theo Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 12 và năm 2022 từ Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo ước tính đạt 7,17 triệu tấn, tương đương 3,49 tỷ USD, tăng 14,9% về khối lượng và 6,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm của ngành gạo, giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN vẫn là những thị trường tiêu thụ chủ yếu của nước ta.

Cùng với nhiều tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp ngành gạo được kỳ vọng sẽ gặt hái được những kết quả lạc quan. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lại không như ý dù cho doanh thu có tăng mạnh. 

Chi phí cao ‘bào mòn’ lợi nhuận trong năm 2022

Trong quý IV/2022, theo thống kê của PV tại 8 doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong ngành gạo, có 2 doanh nghiệp tăng lãi, 2 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, 2 doanh nghiệp giảm lãi, 1 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và 1 doanh nghiệp không có biến động lợi nhuận. 

   Tình hình kinh doanh các doanh nghiệp ngành gạo trong năm 2022. Ảnh: Trang Mai tổng hợp

Tổng doanh thu năm 2022 của 8 doanh nghiệp ngành gạo đạt 15.873 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Xu thế này nằm trong bối cảnh tăng trưởng chung của ngành, khi giá gạo trên thế giới tăng, cùng với đó là việc Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. 

Dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp lại không ghi nhận biến động, thậm chí giảm nhẹ. Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp gạo là biến động về tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao. Thêm vào đó là lượng hàng tồn kho một số doanh nghiệp còn nhiều, dẫn tới việc tăng mạnh các khoản phải thu ngắn hạn. 

Xét kết quả kinh doanh từng doanh nghiệp trong năm 2022, tại CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) ghi nhận doanh thu đạt 3.454 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. 

Doanh thu giảm, lại thêm hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh: Lãi vay tăng hơn 5 lần, chi phí bán hàng tăng 16%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần đã khiến Angimex lỗ sau thuế 139 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Sau biến cố liên quan ông Đỗ Thành Nhân, đây là mức lỗ kỷ lục từ khi Công ty cổ phần hóa (năm 2008) và niêm yết trên HOSE (cuối năm 2012) tới nay.

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) ghi nhận doanh thu thuần năm ngoái hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2021, đây cũng là mức doanh thu trong một năm cao nhất của TAR kể từ năm 2016. Nguồn thu tăng đến từ việc trong quý cuối năm, TAR nhận được nhiều đơn hàng sớm. Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm doanh nghiệp này giảm 27,5% so với năm 2021 về còn 70 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, TAR đặt mục tiêu mang về 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 6 lần so với kế hoạch năm 2021 (105 tỷ đồng). Cuối tháng 6/2022, TAR đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận sau thuế xuống còn 110 tỷ đồng và giữ nguyên mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng. Như vậy với kế hoạch điều chỉnh này, TAR đã vượt 8,5% kế hoạch về doanh thu nhưng mới chỉ hoàn thành được 63,6% kế hoạch lợi nhuận được điều chỉnh và đương nhiên là cách rất xa mục tiêu lợi nhuận ban đầu. 

Dù doanh thu cao, thế nhưng TAR phải gánh nhiều loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 25%, lên hơn 89 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm. 

Cùng chung bối cảnh “trầy trật”, CTCP Xuất Nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, mã: AFX) là doanh nghiệp gạo hiếm hoi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng với 1.612 tỷ đồng và 29 tỷ đồng, tăng lần lượt 110% và 38% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả tăng trưởng cả năm của Afiex đến chủ yếu từ 3 quý đầu năm. Sang quý IV, doanh nghiệp phải gánh hàng loạt chi phí đồng loạt tăng, dẫn tới lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ. Cả năm, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận năm. 

Điểm sáng toàn ngành

Trái ngược với đà giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) ghi nhận lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước tới nay với gần 210 tỷ đồng, tăng 30%.

Cả năm 2022, Lộc Trời đạt doanh thu hơn 11.690 tỷ đồng, tăng 14%. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của Công ty. Mức tăng này chủ yếu từ doanh thu mảng lương thực khi đem về hơn 6.430 tỷ đồng, tăng 60%.

Tuy vậy, Lộc Trời cũng không tránh khỏi thực tế chi phí cao, do lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2022, thêm vào đó là chi phí nguyên vật liệu cho ngành trồng trọt tăng cao. Cụ thể, chi phí tài chính tăng gần 50%, cộng thêm giá vốn bán hàng tăng 15%, khiến lãi ròng năm giảm 1%, còn gần 413 tỷ đồng. 

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, mã: VSF) có được kỳ kinh doanh cải thiện hơn so với khoản lỗ triền miên trong những năm trước, nhưng kết quả quý IV nhìn chung vẫn ảm đạm so với doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, doanh thu quý IV/2022 của VSF đạt 6.474 tỷ đồng, tăng 59% và lãi gần 3 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ hơn 103 tỷ. Cả năm 2022, Vinafood II đạt doanh thu 17.304 tỷ đồng, giảm 5%; song Công ty đã cải thiện được những năm lỗ triền miên với khoản lãi 23 tỷ đồng. 

Tại Vinafood II, ngoài các yếu tố từ thị trường, doanh nghiệp này còn gặp nhiều vấn đề của bộ máy điều hành, cộng thêm thị phần còn thấp, sản lượng bán ra và doanh thu còn hạn chế. Giá thành sản phẩm sản xuất của đơn vị cao, không đủ năng lực cạnh tranh.

https://flo.uri.sh/visualisation/12829110/embed

Cơ hội rộng mở 

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VAF) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu, khiến nhu cầu thu mua lương thực của thế giới tăng lên; bên cạnh đó là nguồn cung gạo của nhiều nước đã bị thu hẹp do biến đổi khí hậu.

Trong Báo cáo chiến lược đầu tư 2023 mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT dự báo 2023 sẽ là năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng vì điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Theo báo cáo quý I/2023 ngành lúa gạo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng. Cụ thể, các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga. Đồng thời gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt. Ngoài ra, Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022. Hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới là Brunei và Ấn Độ đang hoàn thành nhiều nhà máy với công suất hàng triệu tấn/nhà máy/năm. 

 Nguồn: Agromonitor, Bloomberg, WorldBank, ICIS, VCBS tổng hợp

Cũng theo các chuyên gia từ VCBS, thời tiết thuận lợi sẽ tạo ra lợi thế cho Việt Nam so với đối thủ. Theo đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021/2022 của nước này giảm 2%. Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022/2023.

Tồn kho tại Phillipines bị bào mòn do 139.000 ha diện tích gieo trồng bị tàn phá bởi bão Noru; Chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023.

Tại hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi… nhìn chung trong quý I-II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Tại Ấn Độ, diện tích gieo cấy giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng lúa Kharif (chiếm 80% sản lượng nước này) có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới.

Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm qua với mưa nhiều, và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA). Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.

Với thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.

Tuy vậy, rủi ro có thể tới từ giả định Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam, đẩy giá xuất khẩu giảm. Ngoài ra, theo USDA, việc đa dạng hóa các giống cây trồng và hiện tượng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng tới diện tích trồng lúa.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận