Kinh tế Việt Nam năm 2024: 8 động lực cho tăng trưởng

Theo Báo Chính phủ 07:17 | 16/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

(Chinhphu.vn) – Kinh tế Việt Nam năm 2023 với những nỗ lực “vượt cơn gió ngược” đạt nhiều thành tựu nổi bật. Để phát triển bền vững, cần nhận diện những “điểm sáng”, nắm bắt đúng thực tiễn, kịp thời dự báo các nhân tố, các động lực mới tác động đến nền kinh tế nhằm đưa ra các giải pháp cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tăng trưởng kinh tế của Việt nam qua các quý trong năm 2023

Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023

Từ quý IV/2022, những bất ổn của kinh tế thế giới, các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, lạm phát gia tăng, Chính phủ Mỹ và nhiều nước phải áp dụng chính sách “siết chặt tiền tệ”…, đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù có nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã nỗ lực vượt qua “cơn gió ngược” với nhiều điểm sáng.

Thứ nhất, tăng trưởng vẫn là “điểm sáng” của khu vực và thế giới. Bối cảnh kinh tế năm 2023 có diễn biến phức tạp, các dự báo tăng trưởng liên tục phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, cuối cùng tăng trưởng cũng đã về đích ở mức 5,05%. Dù không đạt mục tiêu, song đây là con số khá ấn tượng và là điểm sáng của nền kinh tế. Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong khu vực và thế giới trong năm 2023 (gấp 1,68 lần mức chung của thế giới).

Đáng chú ý, tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước: Quý I tăng trưởng chỉ 3,41%, quý II đạt 4,25%, quý III vượt lên 5,47% và quý IV đạt mức 6,72%. Đây là điểm sáng thể hiện bản lĩnh “kiên cường vượt các cơn gió ngược” của nền kinh tế.

Năm 2023, các mặt hàng nông sản ghi dầu ấn nổi bật như: Gạo ước đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; rau quả ước đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,3% và sầu riêng ước đạt 2,3 tỷ USD – Ảnh: VGP

Thứ hai, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tiếp tục là “điểm sáng” của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp trong năm 2023 đạt mức tăng trưởng cao, ở mức 3,83% (chỉ tiêu 3 – 3,5%), đóng góp 8,84% vào mức tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, giữ vững vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, ngành nông nghiệp năm 2023 vẫn là “điểm sáng” nổi bật của nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29% GDP của cả nước

Thứ ba, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp quan trọng vào GDP, trong đó du lịch nổi lên là “điểm sáng” của nền kinh tế năm 2023. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29% GDP của cả nước. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 về tốc độ tăng trưởng (9,99%) nhưng mức đóng góp trong GDP cao hơn năm 2022 (56,65%)..

Đáng chú ý, sự gia tăng vượt bậc của ngành du lịch trong năm 2023, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, tăng gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm (8 triệu người). Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng và tăng 52,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, năm 2023 du lịch Việt Nam đã lấy lại phong độ và trở thành “điểm sáng” của nền kinh tế.

Năm 2023, Việt nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (chiếm 93,6 % tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Thứ tư, lĩnh vực xuất khẩu năm 2023 có nhiều mặt tích cực. Mặc dù động lực tăng trưởng của nền kinh tế đến từ xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu được cải thiện dần, đặc biệt vào các tháng cuối năm. 

Nếu 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thì trong quý IV/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý III/2023. Tính chung cả năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4 % so với cùng kỳ năm 2022, mức suy giảm xuất khẩu của nền kinh tế đã được cải thiện. Các ngành hàng xuất chủ lực tại nhiều địa phương trong cả nước vào các tháng cuối năm đều phát ra tín hiệu lạc quan.

Xuất siêu 28 tỷ USD, vượt xa năm 2022 (11,2 tỷ USD). Đây là năm thứ 8, Việt Nam duy trì được thặng dư cán cân ngoại thương, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước.

Thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn gia tăng khả quan

Thứ năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng, Việt Nam là “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện ước đạt 23,18 tỷ USD.

Với 3.188 dự án được cấp phép, số vốn đăng ký đạt 20,19 tỷ USD, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 15,85 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng số vốn đăng ký cấp mới. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Thứ sáu, phát triển hạ tầng giao thông, mở rộng kết nối vùng, liên vùng có bước tiến mới.

Kiên định mục tiêu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước, tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội, trong năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án giao thông. Kết quả nổi bật, ngày 24/12/2023 lần đầu tiên đã diễn ra lễ khánh thành và đưa vào khai thác bốn dự án giao thông: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền.

Khánh thành cùng lúc 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một “dấu mốc lịch sử”, tạo thêm nguồn lực và động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội cùng các địa phương và cả nước.

Thứ bảy, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế, tạo tiền đề, điều kiện cho kiến tạo phát triển.

Dù có những biến động lớn từ thị trường thế giới, những bất ổn về tình hình chính trị, xung đột khu vực và những khó khăn từ trong nước, song Chính phủ đã điều hành nền kinh tế, bảo đảm sự ổn định và phát triển.

Kiểm soát lạm phát mục tiêu đạt kết quả tốt, tỷ lệ lạm phát đạt dưới mức chỉ tiêu năm 2023 (CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ/chỉ tiêu năm 2023: 4,5%).

Giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều chuyển biến tích cực, quý sau tăng cao hơn quý trước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố nội lực của nền kinh tế. Các chỉ số quản lý nợ công tiếp tục giữ vững và cải thiện.

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2023 đạt 106% dự toán năm, tuy giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước song phản ảnh nỗ lực của cả nền kinh tế.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 có xu hướng gia tăng (sau khi có sự giảm sút do Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 20% tổng dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá), đến tháng 5/2023 theo VnDirect và IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt khoảng 93-95 tỷ USD.

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Với những cơ sở trên, năm 2024, Việt nam đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước từ 6 – 6,5%, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, trong điều kiện hồi phục kinh tế thế giới “ấm dần” từ những tháng cuối năm 2023, song chưa vững chắc và yếu tố bất định có thể xảy ra.

Nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng để điều hành và phát triển nền kinh tế trong năm 2024.

Thứ nhất, sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp vẫn là một lợi thế và cột trụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Khai thác lợi thế cạnh tranh và năng lực đổi mới sản phẩm, nắm bắt thị trường sẽ giúp ngành nông nghiệp tiếp tục gia tăng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Thứ hai, sự hồi phục của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng mà còn thúc đẩy gia tăng xuất – nhập khẩu năm 2024. Những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp, sự “ấm dần” của thị trường quốc tế, cho phép dự báo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển trong năm 2024.

Thứ ba, tăng trưởng ngoại thương sụt giảm năm 2023 được dự báo sẽ được hồi phục trong năm 2024. Các tín hiệu hồi phục đã xuất hiện từ quý III, đặc biệt là các tháng cuối năm 2023, sẽ thúc đẩy mặt trận xuất khẩu trong năm 2024 và tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế năm 2024.

Thứ tư, khu vực dịch vụ có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế và đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2023. Năm 2024, sự ấm lên của thị trường bất động sản sẽ giúp “kích hoạt” nhiều ngành nghề và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Du lịch khởi sắc năm 2023, dự báo nếu có chính sách tích cực, sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 và là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Như vậy dưới góc độ tổng cung, dư địa tăng trưởng của năm 2024 đều có tín hiệu khả quan, trong đó động lực mạnh mẽ của năm 2024 sẽ là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp, đóng góp của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và sự “ấm lên” của thị trường bất động sản.

Thứ năm, dưới góc độ tổng cầu, gia tăng tiêu dùng trong nước sẽ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năm 2024. Các chính sách vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2023 như giảm thuế VAT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí… cần tiếp tục thực hiện trong năm 2024, thậm chí có thể tăng mức giảm thuế VAT từ 3 – 5 %; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nỗ lực giảm giá hàng hóa – dịch vụ từ phía các doanh nghiệp, các hình thức khuyến mãi mua sắm, chi tiêu du lịch trong nước… sẽ góp phần gia tăng sức mua nội địa vốn bị suy giảm từ thời dịch bệnh COVID-19.

Thứ sáu, năm 2024 chi tiêu công của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế. Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các “nút thắt” về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành – địa phương – các nhà đầu tư… cần được đẩy mạnh hơn trong năm 2024.

Thứ bảy, sự giảm sút của đầu tư tư nhân trong năm 2023 cần được khơi thông mạnh mẽ và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở tái cấu trúc ngành nghề, sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường đầu ra, khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo,… Sự “ấm lên” của đầu tư tư nhân sẽ là nhân tố hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thứ tám, động lực mới đến từ ngoại giao kinh tế sẽ là “đột phá” quan trọng của Việt Nam trong năm 2024. Các sự kiện ngoại giao quan trọng vào cuối năm 2023, đó là việc nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ và giữa Việt Nam với Nhật Bản đã mở ra cơ hội mới để Việt Nam mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế.

Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dựa vào thị trường nội địa, đầu tư công và phát triển các ngành kinh tế mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, với việc các tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Walmart, Boeing… nghiên cứu đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các công ty lớn của Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến khai thác tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, đào tao nhân lực chất lượng cao.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, tiếp tục duy trì là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024 với sự tiếp tục “ấm lên” và gia tăng sức mua tại thị trường nội địa của Mỹ, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là hàng nông sản và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Có thể nói, quan hệ kinh tế Việt – Mỹ và các nước khác không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, mà sẽ là “sung lực” mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận