Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giải ngân nhưng NOXH vẫn phát triển chậm

Nhật Di 15:45 | 09/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Nhu cầu về nhà ở xã hội (NOXH) đang rất cao, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc nhà ở này vẫn còn rất “nhỏ giọt” mặc dù gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giải ngân.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước vừa văn bản hướng dẫn nội dung về lãi suất cho vay, thời gian ưu đãi triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Theo báo cáo, đến nay BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Như vậy, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng cam kết mỗi ngân hàng sẽ cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Agribank cho biết mới phê duyệt một dự án khu nhà ở xã hội thuộc chi nhánh Quảng Ninh với hạn mức cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, trong đó hạn mức cho vay là 750 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tỉnh Quảng Ninh chưa công bố danh mục nhà ở xã hội, do đó khách hàng đang chờ quyết định của tỉnh để đủ điều kiện tham gia vào chương trình 120.000 tỷ đồng.

  Hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh BTC.

Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận một số dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở xã hội phường Long Trường, TP Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); Khu nhà ở xã hội tại khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (Công ty IEC làm chủ đầu tư); Dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (Công ty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư)…

Hồi tháng 7, BIDV công bố tài trợ tín dụng dự án Khu  nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 (thuộc Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP Việt Trì, Phú Thọ). BIDV tài trợ dự án 99 tỷ đồng, trong đó cấp tín dụng 95 tỷ đồng và cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai 4 tỷ đồng.

Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố, có 15 địa phương công bố danh mục 28 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn khoảng hơn 13.000 tỷ đồng.

 Biểu đồ: Đông Bắc TH.

Tăng nguồn cung NOXH để thúc đẩy thị trường hồi phục

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng phân khúc này vẫn khó thu hút doanh nghiệp tham gia. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “nhỏ giọt” trong khi nhu cầu về loại hình nhà ở này đang được nhiều người dân mong đợi.

Tại Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản” do Văn phòng Chính phủ tổ chức đầu tháng Tám vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết giai đoạn 2021-2025, cả nước hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Như vậy là đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025 nhưng số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt khoảng 4,5% so với kế hoạch.

Tốc độ phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang rất chậm. Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn đúng đắn để tạo thêm nguồn cung cho phân khúc nhà ở này càng sớm càng tốt. Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa Lê Xuân Nghĩa Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia  nhìn nhận,  khủng hoảng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc.

Trong đó, phân khúc nhà ở giá rẻ thiếu trầm trọng, vì vậy cần bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường bất động sản được phát triển dựa trên giá trị thực. Mặc dù giai đoạn vừa qua, phân khúc này đã được Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp ưu tiên xử lý, tháo gỡ về thủ tục, chính sách, tài chính tiền tệ, tuy nhiên tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Đây là “tử huyệt” của thị trường, cần được ưu tiên tháo gỡ để thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên.

Đề xuất phương án giải quyết khó khăn về tài chính, nguồn vốn cho việc phát triển và mua nhà ở xã hội, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất thành lập quỹ riêng để cho vay về nhà ở.

“Tôi cho rằng cần phải lập ra quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở. Nếu hiện nay ngân hàng đang “thừa tiền”, chúng ta có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để ngân hàng mua, sau đó thành lập quỹ để cho vay mua nhà ở giá rẻ, cho người mua nhà vay trực tiếp”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh vai trò của việc lập quỹ nhà ở để hỗ trợ người dân vay trực tiếp để mua nhà, nhằm thúc đẩy thị trường.

Theo chuyên gia, hiện nay việc thành lập quỹ tại Việt Nam đang thất bại, hoạt động yếu ớt với nhiều rủi ro. Nếu thành lập quỹ thì Chính phủ cần thành lập dưới dạng công ty tư nhân, không nên hành chính hóa nó, dẫn đến việc gây ra những vướng mắc trong việc quản trị, tham nhũng.

Cùng với đó, theo ông Nghĩa cũng cần có những giải pháp để những nhà phát triển bất động sản giá rẻ không chịu thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương  mại.

“Chẳng hạn, với quy định lợi nhuận chỉ 15%, các nhà phát triển cần phải xác định xem ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Chính vì nhiều trách nhiệm đổ lên đầu như vậy nên chủ đầu tư mới không muốn làm”, ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

 Chuyên gia cho rằng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường bất động sản. Ảnh BXD.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, từ năm 2023, Chính phủ có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, từ cuối năm 2022 đến nay Việt Nam đã có hơn 400 dự án nhà ở xã hội được triển khai, vì thế cơ hội để thị trường phục hồi rất lớn. “Tuy nhiên, hiện nay quá trình tái cấu trúc đang tạo ra sự thay đổi tới nhu cầu của người mua nhà và thị trường. Theo chuyên gia, sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường chỉ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn.

Trong kho đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, ban hành ngày 3/4/2023. Theo đó, Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ có trên 1 triệu căn nhà ở xã hội được hoàn thành ở các địa phương.

Riêng giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 428.000 căn và khoảng 634.200 căn sẽ được hoàn thành vào giai đoạn 2025-2030. Như vậy, nguồn cung phân khúc hướng đến nhóm đối tượng thu nhập thấp sẽ diễn biến theo chiều hướng đi lên trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến quý II/2023, cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với quy mô 288.499 căn. Trong đó: Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang tiếp tục triển khai xây dựng 201 dự án với 162.227 căn; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 6 dự án với 1.892 căn. Ngoài ra, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục triển khai 93 dự án, quy mô xây dựng 127.272 căn.

Đáng chú ý tháng 7/2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khởi công là 10 dự án (19.853 căn), bao gồm: 7 dự án nhà ở xã hội (8.815 căn); 3 dự án nhà ở cho công nhân (11.038 căn). Hiện các địa phương cùng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang rất tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận