Giảm tiếp lãi suất có thể gây phản ứng ngược, tăng đầu tư tư nhân bằng cách nào?
Hạ An 14:19 | 19/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB ở Việt Nam hiện khoảng cách giữa lãi suất điều hành và lạm phát không cao nên khi tiếp tục hạ lãi suất sẽ khiến chênh lệch giữa lãi suất điều hành và lạm phát âm tạo những hiệu ứng ngược về vĩ mô.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023 và giữ mức lãi suất thấp trong thời gian dài song đầu tư tư nhân vẫn còn rất yếu. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022.
Sang đến đầu năm 2024, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước quý I ước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, đầu tư tư nhân đã có dấu hiệu tăng lên song vẫn còn rất thấp so với các năm trước và so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra nếu muốn đạt mức tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6,5%.
Giảm sâu lãi suất sẽ gây hiệu ứng ngược
Phân tích về các nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân tăng thấp, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết theo khảo sát gần nhất của Ban IV (tháng 1/2024), doanh nghiệp cho rằng có 5 thách thức lớn nhất với doanh nghiệp là đơn hàng, dòng tiền, thủ tục hành chính, nguy cơ hình sự hoá các giao dịch kinh tế và thứ 5 mới là tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện rất khó khăn trong cạnh tranh trong đơn hàng với các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, có thể thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong lúc này là đơn hàng và dòng tiền.
Nhu cầu yếu, tổng cầu tăng trưởng thấp là những yếu tố khiến doanh nghiệp không đẩy mạnh đầu tư trong giai đoạn này, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng rất thấp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về đơn hàng như hiện nay thì chi phí, giá thành sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Vì vậy, muốn thúc đẩy đầu tư tư nhân cho doanh nghiệp trong lúc này cần tập trung cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn thay vì tập trung quá nhiều vào nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, ở góc độ chính sách tiền tệ, không gian chính sách hiện đã tương đối hạn hẹp. Khoảng cách giữa lãi suất điều hành và mức lạm phát không cao nên khi tiếp tục giảm sâu lãi suất thì mức chênh lệch giữa lãi suất điều hành và lạm phát có thể rơi về âm, tạo những hiệu ứng ngược về vĩ mô.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng các biện pháp tiền tệ phải kết hợp rất chặt chẽ với chính sách tài khoá. Khi chính sách tài khoá hiệu quả thì sẽ tạo ra sự sôi động trên nền kinh tế thực, trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó tạo ra nhu cầu về đầu tư, tín dụng của doanh nghiệp. Khi đó tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn thay vì chỉ tập trung hạ lãi suất với hy vọng khi lãi suất giảm thì tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng lên”, ông Hùng nói.
Thúc đẩy tổng cầu để đầu tư tư nhân hồi phục
Theo ông, mặc dù môi trường bên ngoài có phục hồi hơn so với năm ngoái nhưng đây vẫn là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế. Kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực vẫn còn khó khăn trong một vài năm tới. Vì vậy, trọng tâm chính sách phải ưu tiên vào các yếu tố trong nước.
Trong đó, đầu tư công là yếu tố mà Chính phủ có khả năng kiểm soát tốt hơn các yếu tố khác như tiêu dùng hay đầu tư tư nhân vì Chính phủ có thể có các biện pháp chính sách nhưng vẫn phải phụ thuộc vào phản ứng của thị trường. Ngoài ra, các biện pháp cải cách chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cũng nằm trong tay Chính phủ.
Chuyên gia ADB khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào các yếu tố chính sách mà Chính phủ có thể làm được, trong đó tập trung vào các yếu tố nội địa: Đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, đầu tư công chủ yếu dựa trên các cách làm cũ, nên đưa các yếu tố xanh vào dự án đầu tư công để vừa đạt được mục tiêu phát triển hạ tầng và vừa đạt mục tiêu về phát triển xanh.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, thì cho rằng trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp khó thì một trong những giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân là đẩy mạnh tổng cầu trong nước.
Đi sâu vào các chính sách cụ thể, TS. Lực cho rằng có 4 biện pháp để thúc đẩy tổng cầu. Thứ nhất là phải tăng dư địa cho chính sách tài khoá. Năm nay phải tiếp tục chính sách tài khoá, coi đây là yếu tố là chủ lực, chính sách tiền tệ là bổ trợ. Trong đó, nên có những gói hỗ trợ tương tự như hồi dịch COVID-19.
Thực tế thì khu vực Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách như giảm 2% thuế VAT, đến tháng 6. Hiện nay người dân đang kiến nghị giảm tiếp VAT 2% cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, cũng nên tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô để kích cầu rất tốt.
Nếu áp dụng chính sách này, thu ngân sách về lệ phí trước bạ có thể giảm đôi chút nhưng kích thích tiêu dùng, doanh số bán ô tô tăng lên lại giúp ngân sách thu về VAT, cao hơn cả phần giảm bớt do ưu đãi lệ phí trước bạ, ông Lực phân tích.
Thứ hai là phải làm sao để gia tăng việc làm. Có việc làm thì người dân mới có thu nhập, do đó các yếu tố kéo theo đằng sau như tiêu dùng, đầu tư tư nhân cũng tốt hơn.
Thứ ba là phải quyết liệt phục hồi tốt hai thị trường chứng khoán và bất động sản bởi vì thu nhập của người dân gắn với hai thị trường này rất lớn, nếu hai thị trường này phát triển tốt thì thu nhập của người dân cũng tăng lên rất nhiều.
Cuối cùng là câu chuyện kích cầu, hiện nay rất nhiều chương trình kích cầu đã được tung ra nhưng chưa hiệu quả. Có lẽ, các đơn vị, đặc biệt là bán lẻ, phải có những biện pháp khác để xúc tiến thương mại, du lịch tốt hơn nữa, tạo nguồn thu du lịch dịch vụ trong nước, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.