Giá vàng tăng mạnh đẩy lùi kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất
Diệu Linh (TTXVN) 17:55 | 24/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Hiệu suất tăng giá của vàng, kim loại quý được coi là một tài sản phòng chống rủi ro, đang báo hiệu về những gì sắp xảy ra đối với lạm phát và những nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế yếu tố này.
Nhà kinh tế học Edmund Moy, chiến lược gia cao cấp chuyên về kim loại quý của IRA và đồng thời là cựu Giám đốc Cơ quan In tiền thuộc Kho bạc Mỹ, phân tích trong vai trò là công cụ phòng ngừa lạm phát thì mức tăng kỷ lục của giá vàng trong những tuần qua là “chỉ dấu” cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới có thể đã bị thu hẹp.
Vào ngày 21/3, một ngày sau khi kết thúc cuộc họp chính sách thường kỳ của Fed, giá vàng kỳ hạn đã leo vọt lên ngưỡng kỷ lục mới là 2.225,30 USD/ounce. Kỷ lục trước đó của giá vàng được thiết lập vào ngày 11/3 ở mức 2.188,60 USD/ounce.
Ông Peter Spina, Chủ tịch sàn giao dịch GoldSeek.com, cho rằng xu hướng tăng giá của vàng xuất hiện khi áp lực lạm phát ngày càng tăng. Ông nói: “Chúng ta đang quay trở lại với làn sóng lạm phát. Nó đang hiện ra ngày càng rõ nét”.
Trên thực tế, giá của nhiều loại hàng hóa đang tăng lên, thể hiện qua chỉ số S&P GSCI – một chuẩn mực cho quyết định đầu tư vào thị trường hàng hóa – đã tăng gần 8% tính từ đầu năm đến ngày 21/3. Hơn nữa, mới đây, giá dầu thế giới cũng đã leo lên ngưỡng cao nhất trong 5 tháng. Giá ca cao giao kỳ hạn tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về “cuộc khủng hoảng sôcôla”. Trong khi, giá bạc, kim loại đồng và giá các hợp đồng gia súc liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, Rob Haworth, nhận định xu hướng tăng giá hàng hóa đe dọa đẩy lạm phát tăng trở lại ở một mức độ nhất định. Nhưng ông nói các nhà đầu tư cũng có thể đang tìm kiếm một vài “cách thức đa dạng hóa khỏi các tài sản có độ rủi ro cao, do sự tập trung quá lớn vào các cổ phiếu Mỹ trong thời gian qua”. Bằng chứng là cả ba chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall là S&P 500, Nasdaq, SPX đều “nhảy” lên gần mức cao nhất mọi thời đại trong hai tháng gần đây.
Theo chuyên gia Haworth, mặc dù áp lực lạm phát có xu hướng tăng, dựa trên biểu đồ tăng giá rõ rệt của các mặt hàng năng lượng như xăng, dầu và các mặt hàng kim loại quan trọng như đồng, nhưng ông tin rằng lạm phát khó có thể trở lại chu kỳ tăng “phi mã” như giai đoạn vừa qua.
Trong khi, Chủ tịch sàn GoldSeek.com, Spina khẳng định vàng đã “đánh hơi” được sự gia tăng của hàng hóa và “những dấu hiệu cảnh báo đang nhấp nháy” của lạm phát.
Chiến lược gia trưởng phụ trách mảng vàng của công ty tài chính State Street Global Advisors (SSGA), George Milling-Stanley, nói: “Một trong những thông điệp rõ ràng nhất từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ trong tuần này là lạm phát lõi – thước đo tiêu chuẩn của Fed – vẫn ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra”.
Con số này của Mỹ hiện là 2,8% và Fed đã nâng dự báo về tỷ lệ lãi suất vào cuối năm nay lên mức 2,6%, thay vì 2,4% như thông báo trước đây. Điều đó có nghĩa là lạm phát trong quan điểm của Fed “vẫn còn khó khăn và quá cao”.
Ông Milling-Stanley cho biết Fed cũng giảm dự báo về số lần cắt giảm lãi suất từ nay cho tới năm 2025 xuống còn 3 lần, thay vì 4 như kỳ vọng của các thị trường. Đó “chính xác là tình huống mà tôi cho rằng vàng sẽ hoạt động mạnh mẽ”, vị chuyên gia của State Street Global Advisors nhấn mạnh.
Ông cho rằng Fed đang rơi vào tình thế khó khăn: “Họ không muốn giữ lãi suất ở mức cao quá lâu đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và thị trường lao động. Nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng không muốn bắt đầu nới lỏng quá sớm, trong khi lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu”.
Mặc dù vậy, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại công ty nghiên cứu đầu tư Ned Davis Research, Joseph Kalish, khuyến cáo yếu tố giá vàng không phải là “chỉ dấu” chính của triển vọng lạm phát. Ông nói việc vàng tăng giá có thể cho thấy một phần quan điểm của các nhà đầu tư về triển vọng lạm phát, nhưng cần phải xem xét yếu tố này trong một môi trường rộng hơn, bao gồm cả chính sách điều hành vĩ mô, hiệu ứng của đồng USD, lực mua của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi và bất ổn địa chính trị gia tăng.