Duy trì quan điểm lạc quan nhưng thận trọng về triển vọng của Việt Nam, ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 sẽ ở mức 7%, với giả định GDP quý I đạt 7,1% Theo báo cáo về kinh tế Việt Nam quý I/2025 từ Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của ngân hàng UOB (Singapore), GDP thực tế của Việt Nam trong quý IV/2024 đã tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, nối dài đà tăng từ mức 7,43% đã được điều chỉnh trong quý III/2024 và vượt xa kỳ vọng của thị trường. Việt Nam đã kết thức năm 2024 với GDP tăng 7,09%. Con số này cao hơn đáng kể với mức 5,1% của năm 2023, vượt qua mức dự báo chung là 6,7% và mục tiêu chính thức là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đợt phục hồi sau đại dịch COVID-19 vào năm 2022 (8,1%). Theo báo cáo, cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều là động lực chính của tăng trưởng trong quý IV/2024. Trong khi đó, hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ trong hầu hết cả năm. UOB nhận định, việc tăng doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu đã tăng trưởng trong tháng thứ 10 của năm 2024, ghi nhận mức tăng cả năm là 14% và đảo ngược mức suy giảm 4,6% của năm 2023. Nhập khẩu tăng 16,1% trong năm 2024, giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn thứ hai với khoảng 23,9 tỷ USD, sau mức kỷ lục 28,4 tỷ USD vào năm 2023. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng năm. Điều này chính là yếu tố quan trọng giúp ổn định tỷ giá VND. Các chuyên gia của UOB cho rằng sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào thương mại quốc tế thể hiện rõ qua những biến động mạnh của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2023 – 2024. Cụ thể, sự sụt giảm xuất khẩu năm 2023 đã kéo tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể, trong khi đà bứt phá của xuất khẩu năm 2024 giúp nền kinh tế đạt kết quả tốt nhất kể từ năm 2022. Dự báo của ngân hàng UOB về kinh tế Việt Nam. (Nguồn: UOB). Báo cáo nêu rõ, bản chất nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam được thể hiện qua giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP vào năm 2024 – mức cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore (174%) và cao hơn Malaysia (69%) ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, mức độ mở cao này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị tổn thương trước những gián đoạn và xung đột trong thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung các biện pháp giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Hiện tại, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2016, lên 124 tỷ USD vào năm 2024. Nhìn chung, thâm hụt thương mại của Mỹ với ASEAN cũng đã tăng gần gấp ba lần, lên 228 tỷ USD trong cùng giai đoạn, do tăng trưởng thương mại toàn cầu và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra nhanh chóng nhằm ứng phó với các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Bình luận về mục tiêu tăng trưởng năm nay ít nhất 8% và hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030 của Quốc hội, các chuyên gia UOB đánh giá vẫn khả thi nhưng chỉ với xuất khẩu và sản xuất sẽ không đủ. UOB cho rằng Việt Nam cần tăng cường đầu tư vốn, đặc biệt từ khu vực đầu tư công, không chỉ để mở rộng tăng trưởng mà còn để giảm thiểu tác động tiêu cực nếu thương mại gặp suy thoái. Tỷ lệ đầu tư vốn của Việt Nam đã duy trì quanh mức 30% GDP trong ít nhất một thập kỷ qua. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc vẫn luôn duy trì trên 40% GDP trong cùng giai đoạn. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này cho thấy Việt Nam đang đầu tư ở mức thấp hơn so với nước láng giềng lớn, và rõ ràng có cơ sở để đẩy mạnh đầu tư công, nhất là khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai. Với những yếu tố đó, nhóm chuyên gia từ ngân hàng Singapore duy trì quan điểm lạc quan nhưng thận trọng về triển vọng của Việt Nam. “Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 ở mức 7%, với giả định GDP quý I đạt 7,1%. Đến năm 2026, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 7,4%, nhờ vào các biện pháp cải thiện hiệu quả của Chính phủ”, các chuyên gia UOB nêu quan điểm.
Ngày 15/3, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã họp phiên thứ nhất để lên khung chương trình, các nhiệm vụ, quan điểm, mục tiêu, định hướng chính xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Đề án; kết cấu Đề án; các nội dung chính của Đề án. Trong đó các đại biểu tập trung nêu bật vị trí, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, khi đất nước bước vào thời kỳ vươn mình phát triển giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng.
Ban Chỉ đạo đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; đánh giá tình hình phát triển kinh tế tư nhân; kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tư nhân và bài học kinh nghiệm; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Ảnh VGP.
Theo Ban Chỉ đạo, kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) và tiếp tục được khẳng định trong các Nghị quyết sau này. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW, Khoá XII xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.
Ban Chỉ đạo cho rằng, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển, với khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong bối cảnh đó, cần có sự đánh giá, nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Trong đó, Đề án phát triển kinh tế tư nhân phải khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản thể chế; tạo ra môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch để kích hoạt, huy động tối đa nguồn lực trong dân, khai thác tiềm năng, trí tuệ và tinh thần kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, phải đề xuất được những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, bền vững, là lực lượng nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện Đề án, trong đó các chính sách phải đáp ứng yêu cầu: Trúng, đúng, đủ mạnh, mang tính đột phá; tính hành động cao hơn; cụ thể, rõ ràng, tính khả thi cao hơn; đây cũng là tinh thần chung trong xây dựng các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật tới đây.
Nhấn mạnh đây là đề án hết sức quan trọng, nhưng cũng là đề án khó, với quan điểm xác định sản phẩm cuối cùng là Nghị quyết của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đánh giá các đại biểu cơ bản đồng tình với kết cấu của Đề án.
Về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng cho biết tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, tất cả các đại biểu đều thống nhất đánh giá, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, với những đóng góp thể hiện qua các số liệu cụ thể như chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP, hơn 56% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 82% tổng số lao động của nền kinh tế, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Về quan điểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều tư tưởng chỉ đạo mới cần cập nhật.
Phó Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nhưng cần bảo đảm cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp; đồng thời lưu ý làm rõ hơn nội dung về phát triển các doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Dự thảo Đề án đã đề xuất các nhóm chính sách, Phó Thủ tướng gợi ý phân loại, làm rõ hơn chính sách với từng nhóm doanh nghiệp (như doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp) và theo từng vấn đề như đất đai, tiền tệ – ngân hàng, tài chính – tài khóa, công nghệ, liên kết…
Phó Thủ tướng lưu ý, các giải pháp phải táo bạo, mạnh mẽ, đột phá, nhưng cần làm rõ hơn luận cứ, căn cứ pháp lý, căn thực tiễn, căn cứ chính trị, kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các giải pháp này, làm rõ các giải pháp được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và khi ban hành có tính khả thi cao không, có đi vào được cuộc sống, mang lại hiệu quả hay không.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, triển khai các công việc, nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương nhưng phải bảo đảm chất lượng tốt nhất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Bài viết liên quan

Thủ tướng: Hợp tác Việt Nam – Brazil không có giới hạn, không có cản trở
31/03/2025

Thủ tướng đề nghị Embraer hợp tác phát triển công nghiệp hàng không
31/03/2025

Tổng Bí thư: Sáp nhập để đưa vùng đất Quảng Đà vươn ra biển lớn
31/03/2025

Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng
31/03/2025

Trả lời