Doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia lĩnh vực Nhà nước độc quyền
“Doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào để vận hành và phát triển các dự án lớn trong lĩnh vực Nhà nước độc quyền như đường sắt, hàng không”
Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ngày 19/12 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức ghi nhận nhiều đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân muốn nhận ưu đãi công bằng
Hiến kế để phát triển doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, kinh tế tư nhân phải được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế.
“Đêm qua tôi suy nghĩ rất nhiều là hôm nay có dám nói câu này không, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đưa vấn đề này lên thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nên hôm nay, tôi cũng xin mạnh dạn đề xuất coi khu vực kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột của nền kinh tế, để gánh vác và góp sức mạnh mẽ hơn nữa”, bà Nga bày tỏ.
Theo bà Nga, hiện nay ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đang chiếm 40% GDP, còn tại các nước phát triển tỷ lệ này chiếm đến 85%, trở thành nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế quốc gia. Do đó, bà mong muốn cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ ban hành đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế phát triển công bằng. Doanh nghiệp Nhà nước, FDI vẫn cần có ưu đãi nhưng không nên nhận được quá nhiều so với kinh tế tư nhân. Thậm chí, với những trường hợp nhất định, Chính phủ có thể tăng cường biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực trọng điểm, tạo nên ngành kinh tế mũi nhọn cạnh tranh với quốc tế”, bà Nga đề xuất.
Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng kiến nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn độc quyền như: đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không…Những lĩnh vực này dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có tham gia song sự hiện hữu vẫn chưa phổ biến.
“Thực tế là doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, thế mạnh, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho đất nước, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút FDI và tận dụng nguồn vốn tư nhân”, bà Nga nói.
Với những thực tế như vậy, bà Nga cho rằng, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm. Hơn hết, Chính phủ cẩn đẩy mạnh đơn giản hóa tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, điều này cũng nhằm tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu.
Cải cách thể chế phải đi xa hơn nữa
Thừa nhận còn những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, hiện môi trường kinh doanh vẫn luôn bị hạn chế bởi thể chế.
Ông nhấn mạnh rằng, chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn cho việc cải cách môi trường kinh doanh. Cho nên, vấn đề mấu chốt là phải cải cách thể chế. Điều này chúng ta đã làm nhưng bây giờ phải đi xa hơn.
Theo đó, cải cách thể chế trước hết cần tập trung vào cải cách chế độ sở hữu, đặc biệt là chế độ hạn điền của Luật Đất đai. Ông cho rằng, cần phải điều chỉnh lại hạn điền, để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình.
Một yếu tố khác nữa là doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP, và trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn độc quyền, điều này đã hạn chế, chèn lấn sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Do vậy, cần phải cải cách rất mạnh doanh nghiệp Nhà nước, tập trung chủ yếu vào cổ phần hóa. Ngoài ra, cải cách cơ chế quản trị quốc gia cũng vô cùng quan trọng.
“Theo quan điểm của tôi, tổ chức như một cơ thể sống, thiếu thì đi rất khó khăn, giống như một người bị thọt, nhưng nếu thừa thì cũng không đi được. Chúng ta hình dung như con người thiếu một chân thì phải có gậy mới đi được hoặc phải đi cà nhắc” ông Tuyển phân tích.
Như vậy, ông nhấn mạnh rằng, tổ chức là đường dẫn để cơ chế chính sách từ nhà nước đến người dân và doanh nghiệp, nên cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng.