Doanh nghiệp hàng không, du lịch, khách sạn được kỳ vọng hưởng lợi sau khi Trung Quốc mở cửa, bức tranh có thực sự màu hồng?

Minh Hằng 08:06 | 12/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Kết quả kinh doanh của nhóm các công ty hàng không, du lịch khách sạn đã có một năm khởi sắc trong năm 2022 và được dự báo tiếp tục hưởng lợi nhờ cú hích của việc Trung Quốc dần mở cửa – đất nước đóng góp 1/3 lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên bức tranh thực tế liệu có như mong đợi?

Đồ họa: Alex Chu.

Phiên 9/3, thị trường chứng khoán cổ phiếu hàng không, dịch vụ du lịch đồng loạt đi lên và hỗ trợ đắc lực cho thị trường chung.

Nhiều mã gồm HVN của Vietnam Airlines, AST của Taseco Airs, VTD của Du lịch Vietourist, OCH của One Capital Hospitality, NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay hay DAH của Khách sạn Đông Á,… tăng kịch trần.

Trong khi đó, cổ phiếu VJC của Vietjet, SGN của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, SAS của Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cũng mang sắc xanh.

Cổ phiếu hàng không và du lịch bứt phá sau thông tin Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023).

Nhóm hàng không giảm lỗ sau khi Việt Nam mở cửa

Trước COVID-19, Trung Quốc là thị trường khách nước ngoài lớn nhất của ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Năm 2022, nhiều quốc gia đã dần mở cửa sau hơn hai năm đại dịch nhưng đất nước này vẫn kiên trì với chính sách Zero COVID cho tới tháng 1/2023.

Việc thị trường 1,4 tỷ dân nối lại hoạt động du lịch với Việt Nam là tin vui cho các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành sau ba năm khốn khó vì đại dịch. Năm 2022, dù doanh thu đã cải thiện khi nhu cầu di chuyển của người đã phục hồi nhưng các hãng bay trong nước vẫn đang chịu lỗ.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) có lãi sau thuế lần lượt 69 tỷ và 80 tỷ đồng trong hai năm 2020 – 2021 nhờ hoạt động tài chính bù lỗ cho hoạt động vận tải hàng không cốt lõi. Sang năm 2022, doanh thu tài chính giảm đi trong khi chi phí tài chính tăng vọt, Vietjet lần đầu tiên báo lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã thua lỗ 12 quý liên tiếp, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng tính đến hết năm 2022, vượt xa vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm 10.200 tỷ. Cổ phiếu HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết sau khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Tổng số lỗ của hãng hàng không Bamboo Airways trong năm 2022 lên tới khoảng 16.800 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Theo thông tin tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC ngày 4/3, FLC phải trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng cho khoản đầu tư 21,7% vốn tại Bamboo Airways năm 2022. Như vậy, tổng số lỗ của hãng hàng không này trong năm ngoái lên tới khoảng 16.800 tỷ đồng.

Dù không công bố kết quả kinh doanh năm 2022, Vietravel Airlines đang đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không từ 1.300 tỷ hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025, tức gấp 5,8 lần.

Theo đại diện Vietravel Airlines, đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay. Một khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, công ty mới có thể có lãi.

Trong trường hợp thị trường phục hồi và kinh doanh có lãi, Vietravel Airlines ước tính sẽ có khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối vào năm 2030.

Hiện CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel – Mã: VTR) sở hữu 43,92% vốn điều lệ của Vietravel Airlines.

Nhóm dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch khách sạn ‘hồi sinh’

Ở chiều ngược lại, với sự phục hồi của du lịch trong và ngoài nước, khi các hãng hàng không được cất cánh trở lại, nhóm dịch vụ hàng không hưởng lợi lớn khi đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh.

Năm 2022, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (Mã: ACV), doanh nghiệp đang quản lý 22 sân bay trên cả nước có một năm ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần 13.834 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm trước nhờ thị trường hàng không dần bình phục.

Doanh thu tăng chủ yếu nhờ sản lượng vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa cũng có những đóng góp nhất định khi liên tục giữ được đà tăng trưởng ổn định sau COVID-19.

Bên cạnh đó, nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ (2.352 tỷ đồng) giúp doanh thu hoạt động tài chính lên mức 4.120 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. Đồng thời, chi phí tài chính ghi nhận giảm 56% do không phải ghi nhận trích lập dự phòng và điều chỉnh khoản đầu tư nên năm 2022 doanh nghiệp báo lãi sau thuế 7.127 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm dịch vụ hàng không là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS). Năm ngoái, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi sau thuế 210 tỷ đồng, gấp 70 lần so với mức thấp năm 2021.

Các công ty làm dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ vận chuyển hàng hóa hồi sinh khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Theo giải trình, lợi nhuận trong năm 2022 tăng cao do hoạt động kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

Tương tự, bức tranh của nhóm dịch vụ lưu trú, khách sạn, du lịch cũng đã mang gam màu sáng hơn năm 2021.

Năm 2022, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel – Mã: VTR) ghi nhận doanh thu thuần gần 3.814 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 122 tỷ, trong khi năm 2021 lỗ 257 tỷ.

Trước đó, căn cứ kết quả báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, cổ phiếu VTR bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trên UPCoM do âm vốn chủ sở hữu kể từ ngày 13/9/2022. Với thành quả năm 2022, đơn vị du lịch lữ hành này có thể sẽ thoát khỏi án bị hạn chế giao dịch sau khi có báo cáo kiểm toán năm 2022.

Hai công ty hoạt động trong mảng khách sạn là CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, One Capital Hospitality cũng đã có lãi trở lại năm 2022 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh tế dần ổn định, hệ thống cửa hàng thương mại, khách sạn hoạt động trở lại.

Nhóm hàng không du lịch được kỳ vọng hưởng lợi sau khi Trung Quốc mở cửa, câu chuyện có thực sự màu hồng?

Dẫn lại số liệu năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19, Việt Nam đón tới 5,8 triệu du khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Số khách này mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc.

Nguồn: MH tổng hợp từ Tổng Cục thống kê.

Do đó với việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ 15/3 sẽ thông tin tích cực cho nhóm các công ty hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú.

Thực tế từ đầu tháng 12/2022, đất nước tỷ dân này đã cho phép các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay thường lệ đến/đi với tần suất 15 chuyến/tuần thay vì 2 chuyến/tuần. Ngay khi Trung Quốc có động thái mở cửa, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airway, Vietjet đã nhanh chóng triển khai lại các đường bay đến Trung Quốc.

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tần suất các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian tới, ước tính lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường đất nước này sẽ hồi phục về mức lần lượt là 20%, 40%, 60% và 80% so với trước đại dịch trong các quý của năm 2023. Trong đó, thời điểm lượng khách quốc tế Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào thời điểm quý II, III/2023.

Theo các chuyên gia, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa với du lịch Việt Nam song đây chỉ là mở cửa theo đoàn, đón khách charter (khách đi theo nhóm hay theo đoàn) chứ không phải mở cửa hoàn toàn nên sẽ chỉ có các doanh nghiệp đón khách đoàn được hưởng lợi.

Thứ hai, do Trung Quốc đã thí điểm đợt 1 mở cửa cho 20 quốc gia nên nhu cầu đi du lịch của người dân bị nén lại trong hai năm COVID-19 đã một phần được giải toả. Việt Nam nằm trong nhóm thí điểm đợt 2 nên không được hưởng lợi như các quốc gia lân cận được mở cửa đợt 1.

Hình ảnh sân bay Đà Nẵng đã đón một lượng khách quốc tế nhất định so với sự vắng vẻ đìu hiu trong hai năm đại dịch 2020 và 2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Theo báo cáo từ Ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể đón từ 3 – 4,5 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2023, tương đương khả năng phục hồi 50 – 80% so với trước đại dịch.

“Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (hơn 30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận cú hích từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc”, báo cáo của HSBC phân tích.

“Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (hơn 30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận cú hích từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc”

Báo cáo Ngân hàng HSBC

Chỉ tính riêng trong tháng 2/2023, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài, mức cao nhất kể từ đầu dịch COVID-19 tới nay. Trong tổng số khách du lịch nước ngoài, lượng khách tới từ Trung Quốc đại lục là 55.000 lượt trong bối cảnh Chính phủ nước này vẫn dừng các hoạt động du lịch theo đoàn tới Việt Nam.

Sắp tới, Trung Quốc có kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động 1/5 khá dài nên các công ty du lịch kỳ vọng đây là sẽ thời điểm bùng nổ khách du lịch Trung Quốc sau khi Chính phủ chính thức cho mở cửa với thị trường du lịch Việt.

Theo tờ Wall Street Journal, thế giới đang dựa vào sự phục hồi kinh tế từ Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tránh rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học lại nhận định không nên dựa vào đất nước này bởi sự phục hồi sau nhiều năm phong tỏa phòng dịch COVID đã có sự khác biệt lớn so với những lần trước.

Trung Quốc có truyền thống dựa vào các chương trình kích thích và đầu tư mạnh tay của Chính phủ để tự thoát khỏi các cuộc suy thoái. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này đã giúp kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng ì ạch sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhưng với lần này, Trung Quốc ở trong tình thế khác, với khối nợ khổng lồ, khủng hoảng bất động sản và phần lớn nhu cầu về cơ sở hạ tầng của đất nước đều đã được xây dựng xong. Lần phục hồi này sẽ phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng sau gần 3 năm bị phong tỏa bởi COVID.

Theo số liệu công bố, người tiêu dùng Trung Quốc đã tích lũy tiền bạc trong suốt giai đoạn phong tỏa nhưng niềm tin của họ hiện vẫn ở mức thấp. Trong khi nhóm người giàu đang mạnh tay mở hầu bao, nhiều người vẫn lựa chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, xu hướng tiết kiệm của người dân nước này đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022, đạt 17.840 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.600 tỷ USD), cao hơn 80% so với năm 2021.

“Trung Quốc sẽ có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhưng tác động lan tỏa tới phần còn lại của thế giới lần này sẽ ít hơn do chính bản chất của sự phục hồi đó”, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC nhận xét.

Theo ông Chen Xin, chuyên gia đến từ UBS Securities, khả năng du lịch nước ngoài của người Trung Quốc có thể chỉ tăng lên cho đến kỳ nghỉ lễ tiếp theo vào đầu tháng 4.

Vào thời điểm đó, việc xin cấp visa sẽ có nhiều thời gian để xử lý hơn so với hiện tại. Đồng thời, số lượng chuyến bay quốc tế có thể phục hồi lên 50% hoặc 60% so với mức của năm 2019. Ông Chen cũng nhận định thêm, một số biện pháp kiểm soát dịch với du khách Trung Quốc như yêu cầu test trước chuyến bay khi đến du lịch một số quốc gia có thể được nới lỏng trong vài tháng tới.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận