Cơn sốt thời trang may đo Việt Nam đẩy Zara, Shein, H&M vào thế khó

Đức Huy 13:27 | 13/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Thay vì chọn thời trang nhanh hay những thương hiệu, người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng mua các sản phẩm quần áo đến từ thương hiệu địa phương của Việt Nam.

Khi Jennie, thành viên nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink đăng ảnh về bộ sưu tập kính mắt mới, người hâm mộ của cô đã nhanh chóng để ý đến chiếc váy ngắn màu xám của cô. Họ đã truy tìm ra chiếc váy ren này đến từ thương hiệu L Seoul tại Việt Nam và gần như đã ồ ạt đổ bộ vào website của thương hiệu này để đặt hàng khiến nó bị tê liệt, theo Rest of World.

Jennie – thành viên Blackpink (trái) mặc chiếc váy đến từ thương hiệu L Seoul đến từ Việt Nam (phải). (Ảnh:Jennie/Instagram).

“Hiệu ứng Jennie” đã mang đến cho thương hiệu quần áo có trụ sở tại Sài Gòn này hàng trăm người hâm mộ mới. Thương hiệu trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với các hashtag như #Vietnamfashion, #Vietnamesefashion trên Instagram và TikTok thu hút hàng chục nghìn bài đăng ủng hộ và hàng triệu lượt thích. Điều này trái ngược với sự bất mãn ngày càng tăng đối với các thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc như Shein hay Temu.

“Xu hướng này bắt đầu cách đây khoảng hai năm”, Phan Hoàng Hạnh, một thợ may ở Hà Nội, nói. “Tôi nghĩ nó có liên quan nhiều đến các video lan truyền trên TikTok của khách du lịch khoe quần áo may đo từ Việt Nam”. Người thợ may 25 tuổi này cho biết cô đăng ảnh và video về thương hiệu Phoebe Vietnam của mình lên Instagram và TikTok, từ đó nhận được hơn một tá đơn hàng ở nước ngoài mỗi tháng – khách hàng đến từ khắp nơi, ở Mỹ đến Qatar. Cô cho biết khách ngoại quốc chiếm một phần ba lượng khách hàng của mình, giúp cho 5 thợ may trong xưởng của cô phải luôn chân luôn tay.

Việt Nam từ lâu đã là một trung tâm sản xuất cho các thương hiệu quần áo toàn cầu như Nike, H&M và Uniqlo. Nhãn mác “Made in Vietnam” đã thu hút du khách tò mò đến các tiệm may và thợ may trên các phố nhỏ ở Hà Nội và Hội An để may suit vải lanh và váy lụa với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì họ phải trả ở quê nhà. Tiếng tăm về tay nghề giỏi và chất lượng cao của những thợ may Việt Nam dần lan truyền trên mạng và trong những năm gần đây, các nhà thiết kế trẻ tuổi như Công Trí, Lê Thanh Hòa và Phương My đã từng thiết kế trang phục cho các ngôi sao quốc tế như Beyoncé, Rihanna và Katy Perry.

Sự chú ý từ những người nổi tiếng đã mở đường cho các thương hiệu Việt Nam như Fanci Club, La Lune, Bupbes và L Seoul. Những thiết kế sang trọng, giá cả phải chăng của họ đã được các hot girl trẻ tuổi như Bella Hadid, Doja Cat và Olivia Rodrigo, cũng như các nhóm nhạc K-pop Blackpink và Aespa yêu thích. Rebecca Morris, giảng viên thời trang tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết những lần hợp tác thương hiệu với người nổi tiếng đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với thời trang Việt Nam.

“Nhiều thương hiệu địa phương đã bùng nổ trong vài năm qua; điều đó thực sự chứng tỏ sức mạnh của mạng xã hội”, bà Morris nói. “Thời đại mọi người chỉ muốn mặc những thương hiệu thiết kế lớn đã qua rồi. Giới trẻ ngày nay muốn nổi bật, có thể mặc thứ gì đó từ một thương hiệu ít người biết đến – thứ gì đó độc đáo hơn, để họ cảm thấy mình đã khám phá ra một điều mà có thể không phải ai cũng biết”.

Thời trang Việt Nam đã đánh trúng thị hiếu của Jovanka Yaputra, một sinh viên thời trang người Indonesia đang học tập tại California, người được biết đến với cái tên Gabrielle trên TikTok. Hai năm trước, cô đã ngừng mua sắm tại Zara và H&M vì những chiếc áo 50 USD bằng polyester của họ “không còn đáng tiền nữa,” cô chia sẻ. Những lựa chọn thay thế rẻ hơn nhiều từ Temu và Shein thậm chí còn tệ hơn, chỉ trụ được qua hai lần giặt, cô nói.

Sau đó, những bức hình trên Instagram về một chiếc vòng cổ hoa hồng do Fanci Club làm ra đã lọt vào mắt cô. Cô gái 25 tuổi này nhanh chóng chìm đắm vào thế giới các thương hiệu thời trang Việt Nam trên mạng xã hội, “đôi khi còn phải tìm kiếm hình ảnh ngược lại để xem đó là thương hiệu nào”, cô nói. Jovanka tìm thấy một số thương hiệu Việt Nam nhỏ sử dụng các loại vải tự nhiên như cotton và linen, có độ bền cao hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường và có giá cả hợp lý. Đầu năm nay, cô đã đặt hàng đầu tiên tại Red Bean.

“Tôi rất ấn tượng với sự tỉ mỉ của sản phẩm. Bạn có thể cảm nhận được chất lượng rất tốt”, Jovanka nói, mô tả về một chiếc váy ngắn ren trắng và một chiếc áo kèm chân váy xếp ly. Hiện tại, cô đang chờ đợi một đơn hàng từ một thương hiệu Việt Nam khác, Shu Shi. “Những thương hiệu thời trang nhanh lớn đã lỗi thời”, cô nói trong một bài đăng trên TikTok, kêu gọi hơn 120.000 người theo dõi của mình hãy ủng hộ các thương hiệu Đông Nam Á thay thế.

Các thương hiệu Việt Nam đang được ưa chuộng đúng thời điểm mà các ông lớn thời trang nhanh Trung Quốc như Shein và Temu đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng khắt khe. Các nhà sản xuất này đã bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng quốc tế trực tuyến, tận dụng chuỗi cung ứng rộng lớn của họ để sản xuất hàng loạt các kiểu dáng quần áo với mức giá rẻ đến khó tin.

Nhưng ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào Shein vì sử dụng lao động cưỡng bức, sao chép thiết kế và tác động môi trường từ các hóa chất độc hại và hàng may mặc bị vứt bỏ sau một lần sử dụng. Shein đã phủ nhận những cáo buộc này.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận