CMC-doanh nghiệp lớn mạnh từ bàn tay của những kỹ sư Việt nhiệt huyết và mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ số toàn cầu

CMC – TẬP ĐOÀN SỐ TOÀN CẦU

Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991, với số vốn ban đầu 50 triệu đồng.

Ngày 7/2/2007, CMC thực hiện cổ phần hóa chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, tên giao dịch tiếng Anh là CMC Corporation với 13 cổ đông sáng lập là các lãnh đạo chủ chốt của công ty và của các công ty thành viên.

Hơn 28 năm sau ngày thành lập, CMC đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Cuối năm 2021, doanh thu tập đoàn đạt 6.909 tỷ tăng trưởng 22% so với năm 2020 và lợi nhuận EBITDA đạt 766 tỷ tăng trưởng 46% so với năm 2020. CMC lựa chọn đối tác McKinsey thực hiện dự án tư vấn chiến lược phát triển, chuyển đổi số và định vị là nhà tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số hàng đầu cho doanh nghiệp và tổ chức.

CMC có đủ năng lực về dịch vụ, giải pháp và sản phẩm để cạnh tranh với đối thủ trong và ngoài nước ở bốn mảng kinh doanh: Viễn thông – Dịch vụ & Giải pháp – Kinh doanh Quốc tế – Nghiên cứu & Giáo dục.

 

CMC tự hào có năng lực điện toán đám mây được đánh giá là top đầu thị trường. Hạ tầng số COPE2N.COM cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp và tổ chức, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, CMC tự hào là nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam cung cấp giải pháp Multi Cloud bao gồm Private Cloud (giải pháp điện toán đám mây dành riêng cho tổ chức) và Public Cloud (mô hình điện toán đám mây với các dịch vụ IT được phân phối qua internet).

 

CMC cũng khẳng định năng lực an ninh an toàn thông tin với sản phẩm bảo mật CMDD đạt chứng nhận chuẩn toàn cầu VB100 điểm tuyệt đối. Cùng với đó, CMC đã mở rộng Trung tâm an ninh mạng (SOC) tại Hà Nội và xây dựng SOC thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh để đem đến chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và chuẩn quốc tế cho khách hàng.Trên thị trường quốc tế, CMC cung cấp dịch vụ Công nghệ thông tin cho các khách hàng toàn cầu, mở rộng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, APAC và EU với số lượng nhân sự vượt 1.500 người.

 

Bên cạnh chiến lược doanh thu, CMC đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Sau 8 năm thành lập, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CIST) đã xây dựng hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở năm lĩnh vực: internet vạn vật – thiết bị thông minh (Internet of Things/Smart-Devices), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), hồ sơ dữ liệu (Data Lake), công nghệ chuỗi – an ninh thông tin (Blockchain – Security).

 

Giai đoạn 2021-2025, CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đẳng cấp quốc tế với doanh thu tỷ USD và quy mô hơn 10.000 nhân sự, tăng gấp 3 lần so với hiện tại. Trong đó, CMC xác định được các bước chuyển dịch lớn – Big Moves ở bốn khối chủ lực: Viễn thông – Dịch vụ & Giải pháp – Kinh doanh Quốc tế – Nghiên cứu & Giáo dục. Trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh mang thương hiệu CMC, với sức mạnh nội lực và tâm huyết cùng khát khao cống hiến, Ban lãnh đạo và gần 4.200 nhân viên CMC đã và đang góp phần nhỏ bé đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin quốc tế.

 

NHIỆT HUYẾT CỦA NGƯỜI THUYỀN TRƯỞNG

 

Từ sinh viên giỏi của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – ông Nguyễn Trung Chính dành cả thanh xuân, tâm huyết để xây dựng CMC.

Năm 1987, ông Nguyễn Trung Chính cùng ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC) đã xây dựng đề án sản xuất, chế tạo máy tính made in Việt Nam tại Phòng tin học – Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NACENTECH).

 

Hàng năm trời mày mò nghiên cứu, các kỹ sư Viện đã cho ra đời “Máy tính Bác Tô” (lấy theo tên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)  và được sản xuất thử nghiệm 100 chiếc.

Song chưa thỏa mãn với sản phẩm thử nghiệm, các kỹ sư tiếp tục nghiên cứu để cải tiến tìm ra sản phẩm tốt hơn. Tiếc rằng máy tính chưa thành hình thì hoả hoạn cướp đi tất cả tài liệu, sản phẩm, công cụ phục vụ công tác nghiên cứu của nhóm kỹ sư trẻ.  Đám cháy đốt hết mọi thành quả nghiên cứu khoa học nhưng không đốt cháy được nhiệt huyết trong các kỹ sư. Sau một năm trời gần như thất nghiệp, ông Hà Thế Minh và ông Nguyễn Trung Chính đã cùng nhau ấp ủ ý tưởng mở doanh nghiệp chính là CMC – “cháy mà có”.

Hiếm có công ty nào ở Việt Nam mà sáng lập viên đều là “dân” nghiên cứu về Công nghệ thông tin, nên con đường phát triển của CMC chỉ xoay quanh thế mạnh cốt lõi là Công nghệ thông tin và luôn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, phát triển con người. Là kỹ sư công nghệ có tư duy kinh doanh nhạy bén, ông Nguyễn Trung Chính luôn tâm niệm “Công nghệ phải vị nhân sinh”, phải xuất phát từ nhu cầu của con người, mang đến những điều tốt đẹp cho con người chứ không phải thỏa mãn cái tôi của nhà nghiên cứu.

Kể về CMC, ông Nguyễn Trung Chính tự hào: “Tôi có hơn 4.200 cộng sự.đã chung tay góp trí cùng tôi đưa CMC phát triển. Đó là phần hồn của CMC.Nếu biết đam mê, khát khao cháy bỏng thì chúng ta sẽ chinh phục được thế giới số, xây dựng Việt Nam hùng cường”.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận