Chuyên gia dự báo gì về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm
Ngọc Bảo 07:00 | 08/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, với những biện pháp về tài chính, tiền tệ, thúc đẩy đầu tư công và các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP có thể cao hơn mục tiêu đề ra. Thận trọng hơn, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt do nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01(6,0%). Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Động lực nào cho tăng trưởng cuối năm?
Về động lực tăng trưởng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nền kinh tế về cơ bản đã có quá trình phục hồi tương đối tốt và đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã tăng hơn 6% so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đặt mức cao nhất trong 6 tháng của nhiều năm. Trong báo cáo điều tra doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 40% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định ,… Tất cả những điều này sẽ đóng góp tích cực vào mức tăng chung của GDP trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong những tháng cuối năm sẽ tạo ra cơ hội để giảm mặt bằng giá cả và giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Ngoài ra, từ 1/7, Chính phủ cũng đã giảm hơn 36 khoản phí và lệ phí với tổng số tiền phí giảm khoảng 700 tỷ đồng. Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp sẽ phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh nhờ có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động.
Theo ông Thịnh, Chính phủ cũng đang yêu cầu các ngân hàng cố gắng giữ và nếu có thể thì tiếp hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Với những biện pháp về tài chính, tiền tệ, thúc đẩy đầu tư công và các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính, trong 6 tháng cuối năm, nền sản xuất trong nước có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn để nền kinh tế chỉ đạt được mục tiêu đề, thậm chí còn có thể cao hơn.
“Tôi cho rằng 6 tháng cuối năm kinh tế cuối năm có thể có mức tăng trưởng cao hơn trong khoảng 6,8 – 7,3%”, ông Thịnh kỳ vọng.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) thì tốt nhất vẫn là xuất khẩu tăng trên 15 – 16%, đằng sau đó là sự phục hồi của nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo gắn với xuất khẩu như da giày, dệt may và điện tử
Trong đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ cảm kết mà cả giải ngân cũng có kết quả quả tích cực. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cưc vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành và doanh nghiệp thì đầu tư công giữ đà khởi sắc.
Tuy vây, vẫn có hai chỉ số đang quan ngại là tiêu dùng bán lẻ dù có tăng trưởng nhưng từ quý 3/2023 đến nay thì mức tăng trên 5% không còn là yếu tố dẫn dắt, và đầu tư tư nhân vẫn ở mức thấp đáng quan ngại – cho thấy sự phục hồi hiện nay vẫn còn khá bấp bênh.
“Hi vọng sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ như kích cầu, hỗ trợ của doanh nghiệp, và môi trường bên ngoài có thể thuận hơn cả về chính trị và phục hồi kinh tế trong nướcthì có thể đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra và thậm chí mục tiêu vượt mục tiêu cận trên 6,5%”, ông Thành kỳ vọng.
Cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư
Còn TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo, trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ các yếu tố hỗ trợ như giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh ở giai đoạn 6 tháng cuối năm; ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Dù vậy, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Ông Việt cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5 – 6%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.
Ở kịch bản điều chỉnh chính sách, tăng trưởng GDP ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
“Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng”, ông Việt nhìn nhận.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ; tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm. Ngoài ra, cần nghiên cứu gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ COVID-19 cho giai đoạn 2024 – 2025; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
“Xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân; nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 – 4%”, ông Việt khuyến nghị.
Trong trung và dài hạn, ông Việt cho rằng cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng.
Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hay có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, công nghệ xanh, thân thiện môi trường…