Chuyên gia: Đề xuất để NHNN bảo lãnh trái phiếu không thực tế và dễ làm méo mó thị trường

Hạ An 17:05 | 06/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Theo các chuyên gia, với rủi ro cao nên trái phiếu doanh nghiệp mới có mức lãi suất hấp dẫn như hiện nay. Nếu được bảo lãnh, rủi ro thấp nên lãi suất cũng phải thấp vì vậy không thể thu hút nhà đầu tư. Ngược lại, nếu giữ lãi suất cao thì rủi ro sẽ do ai gánh chịu?

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất việc xây dựng các loại trái phiếu an toàn tuyệt đối  được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh là trái phiếu được bảo lãnh thanh toán tiền lãi và vốn gốc đúng hạn trong mọi tình huống, nhưng có thể có rủi ro nhỏ như lạm phát, VND mất giá.

Tổ chức này cho rằng cần có quy định cho phép ngân hàng nhà nước bảo lãnh loại trái phiếu này khi phát hành cho nhà đầu tư cá nhân vì từ trước tới nay hệ thống ngân hàng thương mại luôn dễ dàng huy động tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn hạn từ khu vực dân cư, kể cả các ngân hàng yếu kém thua lỗ.

Bên cạnh đó, VAFI cũng đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng nhà nước bảo lãnh thanh toán.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022 -2023. (Nguồn: VNDirect).

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảm đạm. Theo thống kê của Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7, có 36 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 61.200 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 55% trên tổng giá trị phát hành, tương ứng 33.000 tỷ đồng; 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130.400 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022.

VAFI kỳ vọng, loại trái phiếu được NHNN bảo lãnh với độ an toàn gần như tuyệt đối và lãi suất cao sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đề xuất này rất mâu thuẫn và còn nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí có thể dẫn đến hệ luỵ là làm méo mó thị trường tài chính.

Trái phiếu được NHNN bảo lãnh sẽ làm méo mó thị trường

TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh chụp màn hình).

Bình luận về kiến nghị trên Talk show: Trái phiếu gần như tuyệt đối an toàn, liệu có đánh tráo khái niệm? do chuyên trang Sài Gòn Đầu tư tài chính tổ chức ngày 2/8, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, đề xuất này còn rất nhiều mẫu thuẫn.

Thứ nhất, nếu trong cùng một thị trường sẽ duy trì hai loại hình trái phiếu có rủi ro gần như bằng 0 là trái phiếu Chính phủ phát hành thông qua Bộ Tài chính và trái phiếu do các ngân hàng thương mại kinh doanh được NHNN bảo lãnh.

Điều này tạo sự cạnh tranh đáng kể khi lãi suất của loại trái phiếu được NHNN bảo lãnh cao hơn sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của trái phiếu Chính phủ, làm triệt tiêu các mục tiêu phát triển hạ tầng của Nhà nước.

Thứ hai, so với tiền gửi, loại trái phiếu này thậm chí cũng có rủi ro thấp hơn. Trong khi, người tiền gửi còn phải mua bảo hiểm tiền gửi phòng trường hợp ngân hàng phá sản còn trái phiếu do Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thì không.

Nghĩa là việc đề xuất của VAFI không giúp người gửi tiền thay đổi hành vi từ gửi tiền ngắn hạn sang gửi tiền trung và dài hạn bằng việc nắm giữ loại trái phiếu này. Bởi một loại hình có rủi ro thấp hơn thì đương nhiên lãi suất phải thấp hơn.

Chỉ khi loại trái phiếu này có lãi suất cao thì mới khuyến khích được người gửi tiền sang mua trái phiếu, tuy nhiên phương án này sai lầm ở rủi ro, bởi rủi ro của một công cụ thấp thì lãi suất cũng phải thấp, khó có thể huy động trái phiếu doanh nghiệp được NHNN bảo lãnh với lãi suất cao được.

Thứ ba, nếu muốn loại trái phiếu doanh nghiệp này có lãi suất cao để hấp dẫn người dân thì phải huy động và mang đi đầu tư ở các loại hình có rủi ro cao. Vậy khi xảy ra rủi ro thì ai gánh chịu, rủi ro vỡ nợ đặt ở NHNN thì chắc chắc là không thể.

Đặc biệt, loại trái phiếu này có thể làm méo mó thị trường tài chính bởi lượng vốn mà các ngân hàng huy động được thông qua công cụ trái phiếu này sẽ là rất lớn. Điều này khiến họ lao vào một cuộc tìm kiếm rủi ro và đưa đến việc quản trị không tốt, gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

Đề xuất phải phù hợp với quy định luật pháp

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: VGP).

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, đề xuất của VAFI không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

“Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đây là công cụ huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ”, ông Lực nói.

Với rủi ro cao nên TPDN mới có mức lãi suất hấp dẫn như hiện nay. Nếu được bảo lãnh, rủi ro thấp nên lãi suất cũng phải thấp.

Bên cạnh đó, trong Luật Quản lý nợ công 2017 đã có những quy định rõ ràng, Nhà nước không bảo lãnh nợ của doanh nghiệp, kể cả nợ của các bộ, ngành, địa phương, trừ những khoản nợ đi vay nước ngoài và gắn với chương trình trọng điểm của quốc gia.

“Khi đề xuất cái gì, nguyên tắc đầu tiên là nội dung đề xuất đó phải tuân thủ và phù hợp với các quy định của pháp luật”, ông Lực nhấn mạnh.

Về đề xuất bảo lãnh thanh toán trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành, ông Lực cho rằng cũng không cần thiết. Bởi lẽ, trái phiếu của các ngân hàng thương mại về cơ bản được đánh giá tương đối an toàn, bởi vì phát hành trái phiếu đều gắn với những kế hoạch và mục đích cụ thể, chủ yếu là tăng để đảm bảo hệ số an toàn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các tổ chức phát hành cơ bản đảm bảo công khai, minh bạch trong phát hành, nên những năm vừa qua mức độ an toàn của các ngân hàng thương mại đều tăng, cao hơn so với các tổ chức phát hành khác.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, cần đồng bộ nhiều giải pháp khác tốt hơn, thực chất hơn và vẫn đảm bảo với quy định luật pháp. Song cũng cần củng cố nền tảng các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức thay vì các nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện ngược với mô hình thế giới, khi nhà đầu tư cá nhân đang chiếm đa số trên thị trường, chỉ có gần 20% nhà đầu tư tổ chức. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, là tâm lý FOMO đám đông sẽ luôn thường trực, làm méo mó thị trường, chuyên gia cho biết.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận