Những bước chân đầu tiên trên “Xứ sở cờ hoa”
01:28 27/01/2023
Sau 5 năm giấc mơ ô tô Việt đã được hiện thực hoá, giấc mơ càng trở nên đẹp hơn khi VinFast sẽ xây nhà máy sản xuất xe tại Mỹ, xuất khẩu xe điện thông minh, nhận chứng nhận lưu hành tại đây và quyết tâm chinh phục thị trường khó tính nhất này…
0:00/0:00
0:00
Nam miền Bắc
Những ngày cuối cùng của năm 2022, VinFast cùng lúc có nhiều tin vui: xuất khẩu xe ô tô điện thông minh sang Mỹ, nhận chứng nhận lưu hành tại Mỹ, nộp hồ sơ IPO tại Mỹ và chuẩn bị kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq. Những sự kiện khép lại năm 2022 không ngừng nghỉ của VinFast và Vingroup trong hành trình đưa hãng xe Việt làm chủ sản xuất và phân phối ô tô tại thị trường trong nước và quốc tế.
BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA VINFAST, BƯỚC TIẾN LỚN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT
VinFast đã chọn Mỹ mà không phải bất kỳ một quốc gia nào khác để đặt bước chân đầu tiên trong hành trình chinh phục khách hàng toàn cầu. Lý do được ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, công ty mẹ của VinFast từng đưa ra là thị trường Mỹ giống như một phép thử, nếu vào được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác thuận lợi hơn.
Số liệu của S&P Global cho thấy, trên thị trường xe điện toàn cầu, Tesla đang dẫn đầu thị phần với 65%, tiếp sau là Ford với 7% – cách biệt rất lớn và Kia (5%), Chevrolet, Hyundai (4%), Audi, Volkswagen, Rivian (2%)… Bloomberg từng cho biết, 3 năm trước số người quan tâm đến xe điện chỉ là 16%, nhưng đến nay cứ 4 người Mỹ thì 1 người xác nhận chiếc xe tiếp theo của họ sẽ là xe điện, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và nhiều biến động. Theo đó, đây sẽ là cơ hội lớn cho tất cả các hãng xe điện nhưng cũng đặt ra thách thức khi thị trường với nhiều “ông lớn” đã tham gia và Vinfast sẽ phải chứng minh giá trị thật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Tại sự kiện xuất khẩu 999 ô tô điện thông minh VinFast VF8 đến Los Angeles, California, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, đây là sự kiện đặc biệt; ông cảm ơn VinFast vì đã xây dựng nhà máy ở Mỹ và tạo công việc cho hàng nghìn lao động. Đánh giá về chất lượng VF8, chuyên gia Christopher Paukert từ CNET cho biết, thiết kế VinFast VF 8 có tính nhận diện cao, khác biệt so với các mẫu xe của đối thủ trên thị trường; sức mạnh cũng là điểm cộng đáng kể của chiếc SUV điện đến từ Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch VinFast tại Lễ giao xe VF8 |
Ngay khi 999 xe VinFast đầu tiên cập cảng Benicia sau 26 ngày khởi hành từ Việt Nam, VinFast đã nhận được EPA COC để nhập xe và lưu hành xe tại Mỹ, CARB EO để giao xe cho khách hàng tại California và các bang áp dụng quy định CARB (gồm 14 bang khác và Washington DC). Đồng thời, VF 8 cũng hoàn thành đạt các bài kiểm thử FMVSS theo quy định của Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Mỹ (NHTSA).
Trước đó, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) cũng công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ. Ngay trong ngày công bố ký kết ghi nhớ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đăng tải trên Twitter cá nhân: “Hôm nay, VinFast công bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina trị giá 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm. Đó là ví dụ mới nhất về chiến lược phát triển kinh tế của tôi”. Để thực hiện chiến lược giảm lượng khí thải, ông Joe Biden đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các công ty sản xuất xe điện.
Cơ sở sản xuất ngay trên đất Mỹ sẽ giúp VinFast chủ động nguồn cung, ổn định giá thành và rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm. Từ đó, xe điện của VinFast trở nên dễ tiếp cận hơn với khách hàng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu cải thiện môi trường của địa phương.
999 xe điện thông minh của VinFast đến Mỹ sau 26 ngày khởi hành từ Việt Nam. |
Sự thần tốc và quyết tâm của VinFast thực tế đã được thể hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động của hãng ngay khi VinFast là một dự án trên giấy tờ đến khi tổ hợp nhà máy tại Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động. Bằng chứng là chỉ mất 21 tháng xây dựng và hoàn thiện, nhà máy VinFast Hải Phòng đạt kỷ lục thế giới về tiến độ. Ngay thời điểm trước khi nhà máy VinFast Hải Phòng khởi công thậm chí còn nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng của VinFast, cho rằng Vingroup dùng dự án để vay vốn, hay chọn Cát Hải làm nơi đặt nhà máy thực chất là để “phát triển bất động sản”. Chữ FAST trong VinFast theo nghĩa tiếng Anh cũng thể hiện sự NHANH, tốc độ của hãng xe Việt Nam, đã làm là làm lớn và đặt những mục tiêu cao.
Trong thư gửi những nhà đầu tư tiềm năng của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup đề cập đến tầm nhìn tương lai và mong muốn lan tỏa tinh thần VinFast tới toàn thế giới.
“Trong tiếng Việt, từ “FAST” trong VinFast là viết tắt của từ Style (Fong cách) – Safety (An toàn) – Creativity (Sáng tạo) và Pioneer (Tiên phong). Những tính từ này đồng điệu với khát vọng trở thành công ty xe điện hàng đầu thế giới của chúng tôi. Sức bật của sự sáng tạo được thể hiện trong VinFast là dấu ấn cho sự đổi mới mà đội ngũ VinFast và Vingroup đã cùng nhau tạo nên dòng SUV điện hoàn toàn mới với chất lượng cao, thời trang và an toàn. Chính niềm đam mê và tinh thần tiên phong của tập đoàn Vingroup và của cả Việt Nam, là những gì chúng tôi muốn giới thiệu với thế giới, với những chiếc xe điện tuyệt vời của chúng tôi”, nội dung bức thư của ông Vượng nêu.
“HOÀN TOÀN TỰ TIN SỨC KHỎE TÀI CHÍNH ĐỂ TIẾN RA THẾ GIỚI”
Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động tài chính của VinFast cũng được đẩy mạnh. Mới đây, VinFast đã nộp hồ sơ đăng ký chính thức theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu được SEC tuyên bố đăng ký có hiệu lực, VinFast chào bán và phát hành cổ phiếu trên Nasdaq, khi điều kiện thị trường cho phép.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast cho biết, một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế. “Chúng tôi tin rằng việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục các kế hoạch mở rộng toàn cầu và mang lại giá trị cho các bên liên quan trong dài hạn”, bà Thủy nói.
Sau thông tin VinFast nộp hồ sơ lên SEC, một số ý kiến quan ngại về tình hình tài chính của VinFast liên quan đến khoản lỗ lũy kế gần 4,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2022, khoản nợ lên tới 8,8 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD và dài hạn là 3,5 tỷ USD trong bản cáo bạch. Thông tin về vấn đề này, bà Thủy cho biết, VinFast hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới.
“Không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau”, bà Thủy giải thích về khoản lỗ lũy kế 4,7 tỷ USD. Tương tự, không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ, tổng phải trả của VinFast thực chất là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
Trước VinFast một số doanh nghiệp Việt Nam đã “đánh tiếng” về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tuy nhiên, gần với mục tiêu này, đến thời điểm hiện tại, VinFast là cái tên sáng giá nhất. Điều này vừa đặt ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong quản trị, tạo ra sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu toàn cầu.
*Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023
BẢO VY