Mua bán, thuê bất động sản sẽ phải thanh toán qua ngân hàng?

Đông Bắc 07:10 | 24/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ 

Trong chương trình kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV ngày 20/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo Thống đốc, việc sửa đổi luật Phòng chống rửa tiền lần này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục những thiếu hụt cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của Tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF),

Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là dự thảo luật hoá các quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ và bổ sung một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản…

Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm các tổ chức tham gia vào giao dịch tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro, nhằm kiểm soát hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ với các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác.

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng, quy định về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh QH. 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).

Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Ví dụ như: một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”… Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.

Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về “dịch vụ khác” (tại khoản 1) gắn với chủ thể là Bộ Tài chính hay gắn với hoạt động “trò chơi có thưởng”. Nếu gắn với hoạt động “trò chơi có thưởng trừ trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet và dịch vụ khác” thì cần xác định nội dung về dịch vụ khác sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị hay bộ, ngành nào để bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong quá trình triển khai, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ vì đây là cơ quan có trách nhiệm thực thi chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường do liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản.

Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp…

Dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự thảo luật này ngày 24/10, tại nghị trường ngày 1/11 và thông qua vào cuối kỳ họp thứ 4.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận