VNDirect: 3 yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong quý IV
Trang Mai 06:30 | 27/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Với nhiều yếu tố hỗ trợ, VNDirect Research đã công bố dự báo tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong Quý IV với GDP tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện đáng kể so với mức tăng 5,3% trong quý III.
Theo VNDirect, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý IV sẽ được hỗ trợ chính sẽ đến từ: Chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn giúp phục hồi đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước; quá trình phục hồi của ngành sản xuất tăng tốc nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát hạ nhiệt ở các thị trường phát triển.
Mặc dù kỳ vọng sự phục hồi rõ nét hơn trong quý IV nhưng VNDirect hạ mức tăng trưởng GDP năm 2023 trong kịch bản cơ sở xuống 5% từ mức dự báo trước đó là 5,5%, chủ yếu là do kết quả thấp hơn kỳ vọng của 9 tháng đầu năm 2023. Đơn vị kỳ vọng nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục cải thiện đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,5-6,9% so với cùng kỳ vào năm 2024 với sự hỗ trợ bởi môi trường lãi suất cho vay thấp và và sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Về môi trường lãi suất, công ty chứng khoán phân tích lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 9. Tính đến ngày 10/10, trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,4%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối tháng 8 và giảm 2,4 điểm% so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi đã chạm mức đáy của giai đoạn Covid-19 (2021-6 tháng 22) do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,92% so với đầu năm, cách xa so với mức mục tiêu cả năm 2023 là 14%. Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại (trung bình 5,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng) trong những tháng còn lại của năm 2023. Cùng đó kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ vào sự giảm nhanh chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư,trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký tăng 3,8% lên 2,1 tỷ USD trong khi vốn FDI giải ngân tăng 6,5% lên 2,8 tỷ USD. Nhờ nhu cầu phục hồi tại các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch thành lập dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI chuyển biến tích cực hơn trong quý III. Ngoài ra, với lợi thế lớn về trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, Việt Nam cũng đang tích cực thu hút dòng vốn FDI để phát triển ngành bán dẫn.
Đối với đầu tư công, VNDirect kỳ vọng sẽ tăng tốc trong quý IV nhằm hoàn thành mục tiêu của năm nay, với một số dự án hạ tầng lớn đang được triển khai. Một số yếu tố hỗ trợ đẩy nhanh đầu tư công bao gồm nợ công thấp, tình hình lạm phát được kiểm soát và việc khởi công các dự án hạ tầng lớn.
Cụ thể, đầu tư công 9 tháng 2023 đạt 415.500 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch cả năm 2023. Công ty chứng khoán kỳ vọng trong quý IV Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công Quốc Hội giao cho năm 2023 với giá trị là 711.684 tỷ đồng.
Chính phủ đã khởi công một số dự án hạ tầng giao thông lớn trong quý III như dự án Đường vành đai 4 Hà Nội (tổng vốn đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, thời gian triển khai 2023-2027), Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (tổng vốn đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, triển khai 2023-2026), Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng, triển khai 2023- 2026); Đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (tổng vốn đầu tư hơn 21.900 tỷ đồng, triển khai 2023-2027); Đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (tổng vốn đầu tư hơn 44.600 tỷ đồng, triển khai 2023- 2027) và Sân bay quốc tế Long Thành (tổng vốn đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, triển khai 2023-2026).
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã bắt đầu phục hồi, với thặng dư thương mại đạt trên 20 tỷ USD và dấu hiệu tốt từ các thị trường xuất khẩu khi càng về cuối năm.
Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 259 tỷ USD, giảm 8,5%. Trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 70 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 49,6 USD, thị trường E7 có kim ngạch đạt 28 tỷ USD và thị trường các nước ASEAN đạt 24 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính như thép, gạo, phương tiện vận tải, linh kiện điện tử và nhiều mặt hàng khác đã ghi nhận tăng trưởng.
VNDirect kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong các tháng còn lại của năm 2023 nhờ triển vọng kinh tế của Hoa Kỳ khả quan hơn; hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm ở các nước phát triển và chu kỳ thay thế điện thoại thông minh cũ bằng các sản phẩm mới sau mỗi 25,3 tháng, tương đương khoảng hai năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này sẽ tạo đà tăng cầu đối với xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam từ quý IV (xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022).
Nhìn chung, theo đánh giá của VNDirect, tình hình kinh tế Việt Nam trong quý IV sẽ có nhiều tín hiệu tích cực với nhiều nguồn động lực. Tuy nhiên, viễn cảnh tương lai vẫn còn phải phụ thuộc vào những biến động từ môi trường kinh tế toàn cầu và các thị trường xuất nhập khẩu.