VinaCapital: Xuất khẩu đang phục hồi mạnh nhờ sự quay lại của đơn hàng từ Mỹ
HẠ An 15:37 | 13/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo bà Trần Thanh Huyền, CFA – Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao, VinaCapital, các doanh nghiệp bán lẻ ở bên Mỹ đang kết thúc giai đoạn xả hàng tồn kho và quay trở lại đặt hàng.
Nhận định về những điểm sáng kinh tế vĩ mô tại Talk show: “Kinh tế phục hồi – Cơ hội nào cho nhà đầu tư?” do VinaCapital tổ chức chiều 12/7, bà Trần Thanh Huyền, CFA – Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao, VinaCapital đánh giá so với nửa đầu năm 2023, các yếu tố vĩ mô đáng tốt lên rất nhiều.
Đặc biệt, có nhiều chỉ số cải thiện rất là tích cực như: PMI – kim chỉ nam của ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn FDI tăng rất mạnh hay là chỉ số sản xuất điện cũng đã thể hiện sự phục hồi tốt của nền kinh tế.
Bà Huyền nhấn mạnh, ngay từ đầu năm VinaCapital đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 6,5%. Và sau khi có kết quả hai quý đầu năm càng tăng thêm cơ sở cho nhận định này, với động lực chính đến từ sự phục hồi của ngành công nghiệp sản xuất và tiêu dùng.
Phân tích thêm về sự phục hồi trong ngành sản xuất, chuyên gia phân tích từ VinaCapital cho rắng sự phục hồi này thể hiện rõ nhất ở chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Trong tháng 6, thì chỉ số này đạt 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 6 năm 2022.
“Một cấu thành quan trọng trong chỉ số PMI, mang tính dẫn dắt rất là cao, đó là chỉ số đơn đặt hàng mới. Chỉ số này đang đạt mức cao gần kỷ lục với 59,2 điểm. Đây cũng là mức mà cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây cho thấy triển vọng phục hồi của ngành sản xuất với đơn hàng đang quay trở lại”, bà Huyền nói.
Theo bà, triển vọng phục hồi của ngành sản xuất chính là sự quay lại của các đơn hàng xuất khẩu mà đa phần đến từ thị trường Mỹ.
Theo đánh giá của chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ ở bên Mỹ đang kết thúc giai đoạn xả hàng tồn kho và quay trở lại đặt hàng. Đơn cử như, Nike, báo cáo mới nhất cho thấy lượng hàng tồn kho đã giảm 11% so với cùng kỳ.
Thứ hai, là thu nhập của người dân Mỹ đang tăng trở lại. Ngay cả môi trường lãi suất cao cũng không trở ngại quá lớn bởi nó chỉ ảnh hưởng tới các khoản vay mới còn với các khoản vay cũ, thông thường người dân ở Mỹ sẽ vay một khoản vay rất là dài và lãi suất cố định.
Mặt khác, một bộ phận người dân Mỹ có tiền nhàn rỗi đầu tư vào các quỹ về chứng khoán, hưu trí hay gửi tiết kiệm nên việc lãi suất cao thì thu nhập từ đầu tư của người dân Mỹ tăng lên và có tác động thúc đẩy tiêu dùng.
Chính vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi rất mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 15% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng dẫn dắt là nhóm hàng hoá máy tính và điện tử. Nhìn vào số liệu sản xuất của Samsung – doanh nghiệp đang chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ thấy tín hiệu tích cực, vị chuyên gia phân tích của VinaCapital cho hay.
Theo bà, tổng doanh thu của ba công ty mà sản xuất về điện tử của Samsung tại Việt Nam đã quay lại cái mức tăng 16% so với cùng kỳ trong quý I/2024 sau cái chuỗi ngày mà tăng trưởng âm trong suốt năm 2023 .
“Đúng như cái gọi là ‘đi cùng nhịp với sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam’, Samsung cũng đang tăng trưởng bán hàng rất là tốt”, bà Huyền nói.
Tiêu dùng dần phục hồi
Động lực quan trọng thứ hai của nền kinh tế là tăng trưởng tiêu dùng. Mặc dù, mức tăng trưởng doanh thu từ hoạt động bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng sau khi loại bỏ yếu tố lạm phát còn đang ở mức khiêm tốn nhưng cũng tích cực hơn.
Lượng khách quốc tế tới Việt Nam hiện đã đạt mức cao hơn cả trước COVID-19 đóng góp tích cực cho tiêu dùng. Bà Huyền cho biết, theo ước tính của VinaCapital doanh thu từ khách quốc tế đóng góp khoảng 10% vào tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng chung và đóng góp khoảng 1% trong tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, việc phục hồi của một số phân khúc bất động sản cũng hay việc tăng lương cơ sở lần này cũng được kỳ vọng sẽ phần nào thúc đẩy tiêu dùng. Đó là những điểm sáng kinh tế trong nửa đầu năm, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao, VinaCapital đánh giá.