Việt Nam nằm ngoài ‘cơn địa chấn’ sa thải nhân sự công nghệ thế giới?

Hùng Lê – Vân Ly

Chia sẻ:

Thứ Bảy, 21/01/2023

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những đợt cắt giảm nhân sự công nghệ đang diễn ra khắp toàn cầu, ít nhiều Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của “cơn địa chấn” sa thải lớn này kéo dài từ năm ngoái đến nay của các tập đoàn công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ cho rằng nhân sự ngành này ở Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển khi các công ty công nghệ trong nước và thế giới ngày càng dịch chuyển đầu tư và tuyển nhân sự ở thị trường gần 100 triệu dân trong nước.

Các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước vẫn tuyển thêm nhiều nhân sự, trong đó có kỹ sư. Trong ảnh là hoạt động của kỹ sư tại Tập đoàn công nghệ CMC. Ảnh minh họa: TL

Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ trên thế giới

Nối tiếp các đợt cắt giảm một lượng lớn nhân sự của các tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng như các startup công nghệ trong khu vực Đông Nam Á vào những tháng cuối cùng của năm ngoái, giới phân tích đánh giá năm 2023 cũng sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với các công ty công nghệ. Những đợt sa thải sẽ tiếp tục diễn ra trên toàn cầu và điều này ít nhiều Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Ngày 20-1 vừa qua, Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo sẽ cắt giảm 12.000 nhân viên, trở thành công ty công nghệ mới nhất tại Mỹ có đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn. CEO của Alphabet Sundar Pichai cho biết việc cắt giảm nhân sự sau khi “đánh giá nghiêm ngặt” hoạt động kinh doanh, Guardian đưa tin. Thông báo từ Alphabet được đưa ra vài ngày sau khi Microsoft tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân sự, với lý do là sự thay đổi sau đại dịch trong thói quen chi tiêu kỹ thuật số, cùng sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu.

Đợt cắt giảm lần này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận ở toàn công ty, bao gồm bộ phận tuyển dụng, kỹ thuật và sản phẩm. Alphabet cũng sở hữu nền tảng YouTube.

Trước khi Alphabet và Microsoft thông báo cắt giảm nhân sự, một loạt công ty công nghệ như Amazon, Meta, Saleforce hay Twitter đều có những đợt cắt giảm quy mô lớn trong năm 2022.

CEO Sundar Pichai cho biết đợt cắt giảm lần này đánh dấu công ty sẽ tái cấu trúc chi phí, và tập trung nguồn lực cho những ưu tiên hàng đầu. Vị CEO của Alphabet và Google nói trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là lĩnh vực quan trọng trong tương lai, theo Verge.

Trong báo cáo tài chính của Google hồi tháng 10-2022, công ty cho biết doanh thu đạt 69 tỉ đô la và lợi nhuận là 13,9 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu của công ty tăng (65,1 tỉ đô la năm 2021), nhưng lợi nhuận giảm (18,9 tỉ đô la năm 2021).

Hồi đầu năm 2022, ông Sundar Pichai nói rằng công ty sẽ giảm tuyển dụng, kêu gọi nhân viên Google làm việc “khẩn trương, tập trung và khao khát hơn”.

Trước thông báo của Alphabet, tức chỉ trong vài ngày đầu năm 2023, Amazon, Saleforces, Vimeo cũng đã thông báo cắt giảm tổng cộng hàng chục ngàn nhân viên, với lý do “đã tuyển quá nhiều trong đại dịch”.

Cụ thể ngay trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn tại Mỹ năm ngoái, theo CNN, CEO Amazon Andy Jassy xác nhận tin đồn sa thải hàng loạt trước đó và cho biết sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu nhân sự trong năm mới. Và ông thông báo cắt giảm hơn 18.000 nhân viên, gần gấp đôi tin đồn và cũng là lớn nhất trong giới công nghệ gần đây. Amazon cho biết việc sa thải lượng nhân viên lớn nói trên khi nhìn thấy triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi.

Amazon và các công ty công nghệ khác đã tăng cường tuyển dụng đáng kể trong vài năm qua khi đại dịch làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử. Giờ đây, nhiều công ty công nghệ dường như không thể chạm tới này đang phải hứng chịu đòn roi và sa thải hàng ngàn lao động khi mọi người quay trở lại thói quen trước đại dịch và điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi.

Cùng thời gian, hãng điện toán đám mây Salesforce cũng cho biết sẽ cắt giảm 10% nhân sự, tương đương hàng ngàn lao động. Nền tảng chia sẻ video Vimeo cũng thông báo sa thải 11%. Một ngày sau đó, công ty thời trang số Stitch Fix tiết lộ kế hoạch giảm tới 20% nhân sự, sau khi đã sa thải 15% năm ngoái.

Alphabet cũng gia nhập danh sách các công ty công nghệ cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Ảnh minh họa: Reuters.

Trang MarketWatch dẫn dữ liệu được tổng hợp bởi trang web Layoffs.fyi rằng: có hơn 25.000 số nhân viên lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã bị sa thải trong hơn 2 tuần đầu tiên của năm 2023.

Dữ liệu cho thấy năm 2023 đang trên đà vượt năm 2022 về tình trạng dư thừa nhân sự trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Có 101 công ty công nghệ đã sa thải 25.436 nhân viên trong vài tuần đầu tiên của năm. Theo Layoffs.fyi, cả năm 2022 có 1.024 công ty công nghệ sa thải 154.336 nhân viên.

Theo CNN, việc cắt giảm nhân sự này diễn ra trong bối cảnh các hãng công nghệ đối mặt với hàng loạt thách thức. Khi nhu cầu dịch vụ số bùng nổ trong đại dịch, họ ồ ạt tuyển dụng. Sau đó, nhu cầu giảm dần khi đại dịch được kiềm chế, mọi người dần quay về cuộc sống bình thường. Lãi suất tăng càng siết dòng tiền mà các hãng công nghệ đang dựa vào để tạo ra đột phá trong tương lai.

Tại nhiều hãng công nghệ, nửa cuối năm ngoái được đánh dấu bằng các thông báo ngừng tuyển dụng, sa thải hàng loạt và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, theo CNN, nếu 2022 được coi là năm chấm dứt thời kỳ thịnh vượng của các hãng công nghệ, 2023 có thể trở thành năm mà mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Nỗi lo suy thoái và bất ổn kinh tế vẫn đang đè nặng lên người tiêu dùng và các chính trị gia. Việc tăng lãi suất cũng được dự báo còn tiếp diễn. Dù cắt giảm còn diễn ra ở một số ngành khác, tình hình tại Thung lũng Silicon nổi bật nhất, trái ngược với sức khỏe của nền kinh tế nói chung.

Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố gần đây cho thấy nước này đã có năm 2022 tăng trưởng việc làm rất mạnh. Đây là năm tốt thứ nhì trong lịch sử thị trường lao động kể từ 1939. Trong khi đó, báo cáo khác từ hãng nghiên cứu Challenger, Gray & Christmas chỉ ra số lao động bị sa thải trong ngành công nghệ tăng 649% năm ngoái so với năm trước đó. Mức tăng này của nền kinh tế Mỹ chỉ là 13%.

Trong thông báo gửi nhân viên tháng này, Jassy cũng nhấn mạnh nhu cầu cắt giảm chi phí tại Amazon, do “nền kinh tế bất ổn và chúng tôi đã tuyển dụng quá nhanh trong vài năm qua”. Các doanh nghiệp khác cũng lấy lý do tương tự.

Trong loạt bài xin lỗi, các lãnh đạo công nghệ từ Mark Zuckerberg của Meta đến Marc Benioff của Salesforce giải thích họ đã đánh giá sai về sức giảm nhu cầu với sản phẩm công nghệ sau khi đại dịch được kiểm soát.

“Môi trường kinh tế quá thách thức. Đó là lý do chúng tôi phải ra quyết định khó khăn là giảm 10% nhân sự, chủ yếu trong tuần tới”, Marc Benioff cho biết, “khi doanh thu tăng nhanh trong đại dịch, chúng tôi đã tuyển quá nhiều người, khiến chúng ta rơi vào tình hình như hiện tại. Tôi nhận trách nhiệm về việc này”. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu Benioff có phải từ chức hay bị cắt lương thưởng hay không.

Patricia Campos-Medina, Giám đốc Viện Lao động tại Trường Quan hệ lao động và Công nghiệp thuộc Đại học Cornell cho rằng đây chỉ là “lời xin lỗi rỗng tuếch” với những lao động phải trả giá vì tính toán sai lầm của họ. Dù vậy, bà cho rằng “đây là nhóm lao động tay nghề cao, sẽ tìm được cách khác để tái gia nhập nền kinh tế và “ổn định hơn trong trung đến dài hạn”.

Doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam ồ ạt tuyển thêm

Trước diễn tiến của làn sóng sa thải nhân sự ngành công nghệ trên thế giới nhiều ý kiến cho rằng người lao động trong ngành công nghệ ở Việt Nam cũng khó tránh khỏi “cơn địa chấn” cắt giảm của các doanh nghiệp. Trên thực tế cũng có một số doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đã thực hiện việc sa thải hàng loạt nhân viên theo công ty mẹ nhằm bảo toàn đồng vốn đầu tư kinh doanh, trong đó đáng chú ý là các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên theo giới quan sát, tình hình diễn ra ở Việt Nam chưa rõ ràng, thậm chí còn có chiều hướng ngược lại tại một số doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tuyển dụng nhân sự công nghệ với số lượng lớn.

Cụ thể tại FPT, kết thúc năm 2022, Tập đoàn công nghệ này ghi nhận doanh thu 44.017 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỉ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm trước đó, vượt 4% mục tiêu doanh thu đặt ra. Đáng chú ý, ở ngày làm việc đầu tiên của năm 2023, Tập đoàn FPT đã chào đón nhân viên thứ 60.000, tức tăng thêm hàng ngàn nhân sự so với 1 năm trước đó. Nhân viên thứ 60.000 là chị Watanabe Hirona, kỹ sư hệ thống làm việc tại Công ty cổ phần FPT Japan (Nhật Bản) trực thuộc FPT Software (công ty thành viên Tập đoàn FPT).

Tập đoàn công nghệ CMC vào tháng 8 -2022 đã khai trương Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: DNCC

Tập đoàn công nghệ CMC dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 300 nhân sự nữa để nâng lượng nhân sự tại tập đoàn này lên 6.000 người khi kết thúc năm tài chính của tập đoàn vào cuối tháng 3-2023. Với kết quả này, CMC nâng tỷ lệ nhân sự của mình thêm 1.000 người trong năm tài chính theo tăng trưởng hoạt động của tập đoàn, đáng chú ý là tăng trưởng ở thị trường quốc tế.

Theo thông tin từ CMC, trong 9 tháng đầu năm tài chính (từ 1-4-2022 đến 31-12-2022), doanh thu thuần đạt 6.239 tỉ đồng, vượt 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 416 tỉ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước đó. Các lĩnh vực kinh doanh hạ tầng số, công nghệ và giải pháp, kinh doanh quốc tế, nghiên cứu và giáo dục đều tăng trưởng cao. Tập đoàn CMC dự kiến, kết thúc năm tài chính 2022 (ngày 31-3-2023), doanh thu thuần đạt 8,6 ngàn tỉ đồng, vượt 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù các tập đoàn công nghệ trên thế giới khó khăn phải cắt giảm nhiều lao động nhưng Tập đoàn CMC hiện vẫn kiên định với mục tiêu đặt ra trước đó là đạt được 10.000 nhân sự vào năm 2025, tức tăng thêm 4.000 nhân sự để có thể trở thành tập đoàn có quy mô 1 tỉ đô la Mỹ vào năm này.

Trong khi đó, theo Chủ tịch TMA Solutions, ông Nguyễn Hữu Lệ, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong năm 2022 vừa qua, tập đoàn này đã tuyển dụng thêm khoảng 1.000 nhân sự trong đó chủ yếu là kỹ sư phần mềm và công nghệ thông tin, nâng lượng nhân sự của TMA đến nay gần 4.000 người.

Theo ông Lệ, liên tiếp trong 3 năm qua, hoạt động kinh doanh của công ty năm sau tăng trưởng từ 20-25% so với năm trước đó. Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp công nghệ thế giới, ông cho rằng TMA Solutions dự kiến mức tăng trưởng năm nay sẽ thấp hơn, tăng khoảng 15-20% nên sẽ tuyển thêm 800 kỹ sư (trong đó 600 kỹ sư mới cho nhu cầu phát triển và thêm 200 kỹ sư để có thể thay cho những người có ý định nhảy việc).

Ở các khu công nghiệp lớn trên khắp cả nước, các doanh nghiệp vẫn từng bước bắt kịp xu hướng công nghệ hóa của thời đại. Vì thế nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ phục vụ cho nhiều nhóm ngành, nghề cũng tăng lên.

Đáng chú ý là làn sóng khởi nghiệp công nghệ và việc gia tăng các dự án từ nhiều công ty lớn, tập đoàn công nghệ thế giới sẽ góp phần gia tăng nhu cầu nhân sự ngành IT ở Việt Nam ngày càng cao.

Cụ thể với việc khánh thành Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội gần đây, Samsung không giấu được tham vọng muốn biến Việt Nam trở thành một trong những “cứ điểm” nghiên cứu, sản xuất hàng đầu của mình. Với tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la, Trung tâm R&D được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, có diện tích sàn là hơn 79.500 m2, đủ chỗ cho hàng ngàn kỹ sư làm việc.

Tại lễ khánh thành Trung tâm R&D, ông Roh Tae Moon, Tổng giám đốc Samsung Electronics toàn cầu, nhấn mạnh trọng tâm tất cả các hoạt động kinh doanh của Samsung là nhân tài và công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Lệ nhận định việc Samsung đưa vào hoạt động trung tâm R&D sẽ tạo được tiếng vang lớn và nâng cao vị thế trong thu hút đầu tư có chất lượng cao cho Việt Nam. Bởi lẽ, việc hoạt động sản xuất thiết bị di động và đồ gia dụng của Samsung trong nhiều năm qua ở Việt Nam đã khá rõ và hiệu quả nhưng việc đầu tư trung tâm R&D lần này cho thấy Samsung đã xác định Việt Nam là cứ điểm đầu tư quan trọng hàng đầu của họ khi cân nhắc kỹ về nhân sự chất lượng của Việt Nam cũng như về tính bảo mật giữ bản quyền bằng sáng chế, nghiên cứu.

Bosch đặt mục tiêu tuyển thêm hàng ngàn kỹ sư để đạt 6.000 kỹ sư ở Việt Nam vào năm 2025. Ảnh: TL.

Tương tự, Tập đoàn công nghệ Bosch (Đức) cũng không ngừng mở rộng hoạt động R&D tại Việt Nam. Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch ở Việt Nam trong năm 2022 đã tuyển dụng thêm khoảng 1.100 kỹ sư phần mềm cho các trung tâm R&D tại TPHCM và Hà Nội, nâng lượng kỹ sư làm việc tại Bosch hiện nay là 3.700.

Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch đang phát triển các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghệ ô tô, công nghệ trong công nghiệp và hàng tiêu dùng cho các doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Công ty đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghệ hàng đầu với tổng cộng 6.000 kỹ sư cho cả hai trung tâm ở TPHCM và Hà Nội vào năm 2025, tức tăng thêm 2.300 kỹ sư.

Doanh nghiệp thuần Việt bị cạnh tranh nhân sự cao?

Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ nước ngoài khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và theo ông Lệ đây là thách thức cho các công ty công nghệ thông tin như TMA Solutions vì phải cạnh tranh tuyển dụng với các tập đoàn lớn như Samsung, Bosch…

Trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như lập trình viên, kỹ sư, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng lâu dài để có thể tìm kiếm ứng viên tiềm năng.

Nói về việc các tập đoàn công nghệ thế giới đang khó khăn phải sa thải nhiều nhân sự, ông Lệ cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, thậm chí ông cho rằng diễn biến này sẽ có lợi cho nhân sự công nghệ ở Việt Nam. Bởi lẽ trong bối cảnh khó khăn này, các tập đoàn công nghệ sẽ tìm nguồn nhân sự có chi phí thấp hơn, trong đó Việt Nam và Ấn Độ vốn tạo được tiếng vang về nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao nhưng chi phí khá thấp so với Mỹ và châu Âu…

“Nếu tuyển nhân sự công nghệ ở Việt Nam làm việc từ xa, các tập đoàn công nghệ trên thế giới sẽ có thể tiết kiệm chi phí đáng kể vì mức trả tiền thuê chỉ bằng 1/6-1/8 nhân sự làm việc tại thung lũng Silicon Valley ở Mỹ”, ông Lệ chia sẻ, và cho rằng nhân sự công nghệ Việt Nam không đáng lo ngại trước làn sóng các tập đoàn công nghệ thế giới sa thải nhân viên trong thời gian qua.

Các chuyên gia trong ngành nhận định nhân lực ngành công nghệ tại Việt Nam vẫn được tuyển dụng rất nhiều, thậm chí hiện tại đang thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo và định hướng cho ngành công nghệ ở Việt Nam.

Theo nhận định của ông Lệ, các nhân sự công nghệ ở Việt Nam sẽ có cơ hội việc làm ít nhất 10-20 năm nữa, vấn đề là sinh viên học ngành này cần chuẩn bị trang bị kiến thức cho tốt để nắm bắt cơ hội khi ra trường. Còn đối với nhân sự bị sa thải tại các tập đoàn, với tài năng của họ chắc chắn cuối cùng họ cũng sẽ tìm được việc mới trong thời gian ngắn.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận