VIỆT NAM / ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

VNDirect: Dự báo càng về cuối năm tăng trưởng kinh tế càng cao, GDP quý IV có thể tăng tới 6,8%

Diên Vỹ 17:40 | 17/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Các chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý I và 6,2% trong cả năm 2023, trong đó ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực du lịch. Trong khi đó, lạm phát bình quân cả năm dự báo ở mức 3,8%, dưới mức mục tiêu của Chính phủ.

Dự báo tăng trưởng GDP quý I đạt 5,6%, ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng cao

Tại báo cáo cập nhật vĩ mô phát hành ngày 15/3, điểm lại những nét chính của hoạt động kinh tế 2 tháng đầu năm, CTCP Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh những tín hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất phục hồi trở lại. 

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2/2023 tăng 3,6% tháng 2/2022 do so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái – tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, một chỉ số khác là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 51,2 điểm trong tháng 2/2023, chấm dứt chuỗi ba tháng liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung lập 50 điểm, báo hiệu khả năng phục hồi sản xuất trong những tháng tới.

Về đầu tư, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm tốc 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư công lại tăng tốc.

Cụ thể, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy vốn FDI thực hiện trong tháng 2/2023 tăng 12,1% so với cùng kỳ lên 1,2 tỷ USD, tuy nhiên tính chung 2 tháng đầu năm 2023, con số này lại giảm 4,9% xuống còn 2,6 tỷ USD. Vốn FDI đăng ký thậm chí giảm mạnh 51,4% trong tháng 2, khiến tổng vốn FDI đăng ký kể từ đầu năm chỉ đạt 3,1 tỷ USD (giảm 38,0%). 

Nhóm phân tích lý giải dòng vốn FDI 2 tháng đầu năm giảm tốc do các kế hoạch đầu tư mới và mở rộng sản xuất bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn, bao gồm (1) tăng trưởng toàn cầu chậm lại, (2) lạm phát cao đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và (3) thanh khoản thị trường tài chính thắt chặt do FED tăng lãi suất.

Ở chiều ngược lại, với đầu tư công, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn Nhà nước thực hiện vào tháng 2/2023 đã tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái gần 30.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, vốn Nhà nước thực hiện tăng 18,3% so với cùng kỳ. 

Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2/2023 tăng 13,2% so với cùng kỳ dù giảm 6% so với tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%, cao hơn mức tăng chỉ 2,1% của cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, du lịch vẫn là điểm sáng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 2. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón khoảng 933 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 7,1% so với tháng 1 và gấp 31,6 lần cùng kỳ năm ngoái). Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm ngoái dù con số này vẫn ít hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019 (mức trước đại dịch). Trong số đó, Hàn Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong tháng 2 với ước tính 301.343 lượt khách, tiếp đến là Mỹ với 69.648 lượt khách. Một tín hiệu tích cực khác gần đây là việc Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách đợt 2 cho phép nối lại tour du lịch quốc tế theo đoàn kể từ ngày 15/3/2023. 

Ở diễn biến tỷ giá, thời gian qua, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) cũng ghi nhận giảm mạnh sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có quan điểm ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ. Tính đến ngày 13/03/2023, DXY giảm xuống còn 104,0 điểm, giảm 1,3% so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện SVB. Điều này làm giảm phần nào sức ép lên tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam khi tỷ giá USD/VND giảm 0,1% so với đầu năm xuống 23.612 VND đổi 1 USD.

Gần đây nhất, từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm một số lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế – một tín hiệu được đánh giá là tích cực với thị trường vốn nói riêng và đà phục hồi kinh tế nói chung.

Với những phân tích này, VNDirect dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2023 có thể đạt 5,6%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2023. Cùng đó, dự báo CPI bình quân của Việt Nam đạt mức 4,2-4,6% so với cùng kỳ trong quý I, trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức cao trong 2 tháng đầu năm (CPI bình quân hai tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ở mức 4,6%). 

Cụ thể với từng nhóm ngành, nhóm phân tích kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý đầu tiên của năm nhờ động lực cốt lõi là du lịch phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, VNDirect dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng ở mức 7,9% trong quý I/2023 so với cùng kỳ. Mặc dù con số này thấp hơn một chút so với mức cao đột biến 8,1% của quý liền trước nhưng vẫn là sự cải thiện mạnh mẽ so với mức tăng 4,6% so trong quý I/2022.

Với ngành công nghiệp, xây dựng, nhóm phân tích dự báo bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến toàn ngành trong quý đầu tiên, hệ quả là đơn hàng sản xuất của Việt Nam có nguy cơ giảm. Theo đó, ngành công nghiệp xây dựng được dự phóng chỉ tăng trưởng khoảng 3,7% trong quý I/2023, giảm từ mức 4,2% trong quý liền trước và 6,4% trong cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, với ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, VNDirect đưa ra dự báo mức tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ trong quý I/2023.

Kỳ vọng tín hiệu sáng dần về cuối năm, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6,2%

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần phục hồi trong các quý còn lại của năm 2023, đến từ kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi. Điều này cũng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam”, báo cáo của VNDirect nêu rõ.

Với triển vọng sáng hơn về cuối năm, nhóm phân tích duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,2%  (tương ứng dự báo tăng trưởng 4 quý trong năm lần lượt đạt 5,6%, 6,0%, 6,3% và 6,8%). Bên cạnh việc giữ nguyên dự phóng tăng trưởng kinh tế cho cả năm, VNDirect cũng duy trì dự báo về lạm bình quân năm 2023 là 3,8%, đạt mục tiêu của Chính phủ là dưới 4,5%.

Dự báo dựa trên một số kỳ vọng về sự phục hồi của hàng loạt lĩnh vực từ vốn FDI đến thương mại. Theo đó, VNDirect cho rằng tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 có thể cao hơn do mức nền thấp của nửa cuối năm 2022 và tác động đến từ sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu của Trung Quốc kể từ giữa năm 2023 nhờ hiệu ứng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cùng đó, kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng tốc độ phục hồi và Việt Nam có thể sớm vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế của Chính phủ trong năm 2023, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ.

Dòng vốn FDI cũng được dự báo phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ 2 động lực chính: (1) FED dừng tăng lãi suất, từ đó giúp cải thiện điều kiện thị trường tài chính, (2) tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và cải thiện điều kiện thị trường tài chính.

Bên cạnh những triển vọng sáng sủa, ba rủi ro đối với dự báo được nhóm phân tích VNDirect đưa ra gồm:

Thứ nhất, lạm phát cao hơn kỳ vọng – mà theo nhóm phân tích, việc Trung Quốc mở cửa và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn dự báo.

Thứ hai, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh mạnh hơn dự kiến trong kịch bản Fed tăng lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. 

Ngoài ra, theo VNDirect, nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến tại các quốc gia đối tác thương mại lớn cũng sẽ tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, kịch bản tăng trưởng xuất khẩu được nhóm phân tích đưa ra dựa trên giả định kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị tác động xấu hơn.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận