Vì sao các ngân hàng ngừng giảm giá vàng SJC trong nhiều ngày?
H.Mĩ 08:33 | 14/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Việc giữ giá vàng đi ngang trong nhiều ngày liên tiếp dù thị trường thế giới giảm được xem là động thái giảm thiểu rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Giá vàng SJC đi ngang nhiều ngày liên tiếp
Tính đến ngày 13/6, giá vàng SJC tiếp tục đi ngang trong 6 ngày liên tiếp. Theo đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước (nhóm Big 4) và SJC bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá được niêm yết ở các doanh nghiệp bán vàng miếng khác. Ở chiều mua vào của SJC và các doanh nghiệp khác, giá vàng miếng là 74,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đi ngang trong khi vàng thế giới giảm, nhất là sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng mua dự trữ trong tháng 5, khiến chênh lệch được nới rộng hơn từ mức khoảng 4 triệu đồng/lượng cuối tuần trước, lên 7 triệu đồng/lượng.
Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng Big 4, SJC không tiếp tục giảm giá bán để duy trì mức chênh lệch 4 triệu đồng/lượng hoặc thấp chí là thấp hơn nữa?
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước giữ giá vàng đi ngang trong gần một tuần qua là động thái hợp lý, bởi nếu giảm giá xuống nữa sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.
“Có lẽ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là muốn giữ khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ở mức độ nào đó chứ không có ý định kéo quá sát với giá thế giới. Nếu giá trong nước cứ lên, xuống theo giá thế giới thì tâm lý người dân sẽ dao động. Thà rằng giá trong nước đi ngang khi giá thế giới giảm, còn hơn là giá thế giới tăng, Việt Nam điều chỉnh tăng theo. Lúc đó, tâm lý FOMO sẽ càng đẩy lên cao vì người dân sợ giá còn đẩy lên nữa, nếu không nhanh chân sẽ không mua được vàng giá rẻ”, vị này nói.
Ông cho rằng việc “án binh bất động” của Ngân hàng Nhà nước lúc này là phù hợp nhằm tránh nguy cơ tình trạng xếp hàng mua càng thêm căng thẳng. Chỉ khi nào giá thế giới xuống hẳn thì mới nên điều chỉnh theo.
“Việc quan trọng lúc này là đảm bảo nguồn cung vàng đều đặn, đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng không nhất thiết kéo giá vàng trong nước bằng với thế giới bởi điều này rất tốn nguồn lực.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mức chênh lệch phù hợp là khoảng 3 – 5 triệu đồng/lượng.
Còn ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho rằng không cần phải đặt vấn đề phải giảm chênh lệch giá vàng SJC về bằng 0 mà nên giữ ở mức độ nào đó chấp nhận được.
Giá vàng thế giới có thể tăng trở lại?
Tính đến ngày 12/6, giá vàng thế giới vẫn giao dịch quanh mốc 2.300 USD/ounce, giảm 80 USD/ounce so với hồi đầu tháng và thấp hơn 140 USD/ounce so với mức kỷ lục hồi tháng 5.
Việc trước đó Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng trong nhiều tháng qua đã góp phần lớn giúp đẩy giá kim loại này liên tục thiết lập những kỷ lục mới.
Ngân hàng này bắt đầu tăng cường dự trữ dự trữ vàng kể từ tháng 11/2022, dẫn đến làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ngoài ra, dữ liệu việc làm Mỹ tăng mạnh trong tháng 5 cũng là một “cú bồi” với giá vàng.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho rằng việc Trung Quốc ngưng mua vàng chỉ là tạm thời và chưa có gì đảm bảo là họ sẽ dừng các đợt mua tới trong năm nay. Do đó, theo ông rủi ro giá vàng tăng trở lại là vẫn còn.
“Chính sách của họ (Trung Quốc – pv) trước sau gì cũng sẽ bán bớt trái phiếu Mỹ và mua lại vàng. Việc họ ngưng mua trong tháng 5 là bởi giá vàng đã bị đẩy lên quá cao, nếu tiếp tục mua có thể bị thiệt. Do đó, họ dừng mua để giá vàng dịu xuống và các kỳ mua vào tới sẽ được giá “rẻ” hơn”, ông nói.
Trả lời Reuters bên lề Hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, ông David Tait, Giám đốc điều hành của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết : “Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy lực mua đang chững lại. Nhưng họ chỉ đang chờ đợi và quan sát. Nếu giá điều chỉnh về mức 2.200 USD/ounce, giá sẽ tiếp tục tăng trở lại”.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát do Diễn đàn Tổ chức Tài chính và Tiền tệ Chính thức thực hiện cho thấy các ngân hàng trung ương có kế hoạch tiếp tục tăng cường mua vàng trong 12-24 tháng tới.
“Các ngân hàng trung ương đang mua vàng và Trung Quốc là người mua chính. Tâm lý mua vàng đang tăng giá do căng thẳng địa chính trị và bầu cử. Trung Quốc dự kiến sẽ mua nhiều hơn”, ông KL Yap, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Singapore, cho biết.