Ứng xử với biến động tỷ giá
Trần Ngọc Báu – Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup 16:54 | 06/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Khi theo dõi tỷ giá ở Việt Nam chúng ta cần phân biệt giữa thị trường chính thức (ngân hàng) và thị trường tự do (chợ đen).
Quan sát diễn biến tỷ giá ở biểu đồ phía dưới, chúng ta không khó nhận ra giai đoạn vừa qua sự căng thẳng xuất hiện chủ yếu ở thị trường tự do sau đó mới lây lan và tác động nhất định đến thị trường chính thức. Từ đó cho thấy, chênh lệch cung cầu USD phục vụ cho nền kinh tế thực không biến động quá lớn mà phần nhiều đến từ những yếu tố tâm lý đầu cơ.
Trên quan điểm cá nhân, theo tôi có ba nguyên nhân chính khiến tỷ giá biến động.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh trong trạng thái cơ quan quản lý trong nước chậm trễ ban hành các quy định chính thức về quản lý thị trường vàng đã kích hoạt tâm lý FOMO và đẩy nhu cầu đầu cơ vàng tăng đột biến.
Để đáp ứng nhu cầu này thì việc nhập khẩu vàng cả kênh chính thức và nhập lậu đều tăng cao, kéo theo nhu cầu USD tăng mạnh, đặc biệt ở thị trường USD chợ đen. Điều này lý giải tại sao tỷ giá chợ đen biến động rất mạnh tới 3,93% tính từ đầu năm nhưng tỷ giá chính thức lại có sự bình ổn hơn nhiều khi chỉ biến động 1,4% và vẫn còn cách xa tỷ giá trần theo quy định.
Nguyên nhân thứ hai là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND vẫn duy trì ở mức rất cao và những kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm hạ lãi suất trong nửa đầu năm nay đang ngày càng lung lay, điều này tiếp tục gây những áp lực đến cán cân tài chính. Tuy nhiên có vẻ áp lực này đã dịu hơn rất nhiều so với những đợt biến động tỷ giá trước đây, có lẽ một phần vì yếu tố kỳ vọng và một phần do mùa vụ.
Nguyên nhân thứ ba là tâm lý găm giữ USD xuất hiện khi những lỗi lo sợ biến động mạnh tỷ giá giống 2022 và 2023 vẫn bao quanh các nhà đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu. Chính sự găm giữ này cũng tác động nhất định đến cung cầu USD trên thị trường và tác động ngược lại vào tỷ giá thực.
Một vài quan điểm cho rằng yếu tố xuất nhập khẩu hay nhu cầu USD tăng đột biến vì các tổ chức chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Cá nhân tôi thì không đồng quan điểm với hai lý do trên.
Điển hình như xuất nhập khẩu, theo số liệu thì tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt 54,62 tỷ USD tăng trưởng 18,36% so với cùng kỳ, tuy nhiên xuất khẩu tích cực hơn khi ghi nhận 59,45 tỷ USD và tăng trưởng 19,4% so với cùng kỳ.
Như vậy chúng ta có thặng dư thương mại lên tới 5 tỷ USD, thứ mà rất hiếm khi được chứng kiến vào 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại đang tác động tích cực chứ không phải tiêu cực đến tỷ giá trong thời gian qua.
Vậy tỷ giá hiện tại có đáng quan ngại?
Tôi cho rằng nếu là nhà đầu tư hoặc nhà kinh doanh thì chúng ta nên quan sát kỹ thị trường tỷ giá và dựa trên nguyên nhân tôi trình bày ở trên thì giai đoạn này cần quan sát chéo sang cả thị trường vàng. Hiện nay, thị trường vàng đang trong giai đoạn thảo luận ban hành quy định quản lý nên thực sự chúng ta cũng chưa thể khẳng định được điều gì xảy ra.
Tỷ giá hiện chủ yếu căng thẳng ở thị trường chợ đen nhưng nếu không kiểm soát tốt thì việc “lách luật” tuồn USD ngân hàng ra chợ đen giống giai đoạn giữa năm 2022 sẽ để lại những hệ luỵ không nhỏ. Điển hình nhất là sự căng thẳng sẽ không chỉ ở thị trường chợ đen mà căng thẳng trong chính hệ thống ngân hàng.
Ngoài yếu tố trên thì còn hai yếu tố nữa chúng ta cũng cần quan sát với mức độ ít tập trung hơn chút. Đó là những biến động trong điều hành chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed và những “ứng xử” của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với thị trường ngoại hối.
Còn dự kiến hành động của NHNN là gì?
Như tôi đã phân tích ở trên, tỷ giá biến động hiện tại chủ yếu là do thị trường vàng kéo theo và tâm lý găm giữ chứ không hẳn do nhu cầu USD đột biến trong nền kinh tế thực.
Trước mắt tôi nghĩ NHNN chưa cần can thiệp bằng công cụ mà chỉ cần một mặt sớm có những quy định pháp lý đối với thị trường vàng, bình ổn được thị trường vàng sẽ là nguồn lực lớn nhất giúp bình ổn tỷ giá lúc này. Mặt còn lại siết chặt quy định giao dịch ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, tránh những tổ chức vì lợi ích ngắn hạn mà làm trái pháp luật và ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ.
Nếu như thị trường vàng và ngoại tệ tiếp tục có những biến động tiêu cực mạnh hơn nữa thì có thể bước đầu xem xét nhấc tỷ giá trung tâm để mở thêm không gian biến động ngắn hạn cho tỷ giá trong giai đoạn này.
Việc bán USD can thiệp tôi nghĩ ít khả năng phải sử dụng bởi chưa thực sự cần thiết và thông tin này khi công bố sẽ gây tác dụng phụ tên tâm lý của thị trường nên nhà điều hành sẽ suy xét kỹ trước khi tái sử dụng. Tuy nhiên không điều gì là không thể trong kỷ nguyên tài chính biến động như hiện nay, vậy nên chúng ta luôn cần dự phòng những xác xuất nhất định.
Trần Ngọc Báu – Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup