TPBank hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận năm
Sau 9 tháng, TPBank báo lãi trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng năm 2022 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận của ngân hàng tăng 35%, chất lượng tài sản ổn định, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được quản lý. Điều này giúp TPBank được Moody’s nâng xếp hạng là nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn tốt. Ngoài ra, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản và khả năng thanh khoản của ngân hàng cũng được Moody’s đánh giá cao.
Từ cuối năm 2021, nhà băng này đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, đồng thời, áp dụng chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS 9). Theo đại diện ban lãnh đạo TPBank, ngân hàng luôn phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, nhưng đổi lại đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu với các biến động bất thường của thị trường. Theo đó, ngân hàng chọn áp dụng các chuẩn mực cao về quản trị rủi ro để hướng tới phát triển ngày càng bền vững hơn.
Các tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế được áp dụng trong nhiều nghiệp vụ và hoạt động kinh doanh. Với các trái phiếu do TPBank phát hành, đây là khoản huy động tương tự như các hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân và tiền gửi tiết kiệm từ dân cư…
“Không chỉ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, việc đã áp dụng Basel III trong quản trị rủi ro càng đảm bảo cho TPBank nâng cao năng lực và chất lượng vốn, thanh khoản”, đại diện TPBank chia sẻ.
Việc mua bán, chuyển nhượng, mua lại trước hạn trái phiếu do TPBank phát hành cũng được thực hiện theo thỏa thuận tại cáo bạch phát hành trái phiếu ngay trước khi phát hành. Theo đó nhà đầu tư có thể bán lại trước hạn hoặc “TBank có thể mua lại trước hạn đều đã được công bố từ đầu. Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, lãi suất thị trường tại thời điểm được phép bán lại, mua lại mà nhà đầu tư hoặc TPBank có thể xem xét việc tiếp tục duy trì hay mua, bán lại trước hạn.
Với các khoản trái phiếu doanh nghiệp do TPBank nắm giữ, đây tương tự là các khoản vay nợ mà TPBank cấp cho các doanh nghiệp được quản lý, không phát sinh chậm trả hay nợ xấu.
Báo cáo kinh doanh cũng cho thấy, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản đang được quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/6/2022 đạt 12,25% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%.
Ngoài ra, việc sớm tuân thủ Based III còn giúp TPBank được Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao 2 lần trong chưa đầy một tháng. Trong bảng so sánh đánh giá khả năng đáp ứng rủi ro thanh khoản của 17 ngân hàng niêm yết dựa theo 6 tiêu chí của VnDirect, bên cạnh Vietcombank, Techcombank, HDBank, MSB…, TPBank dẫn đầu 4/6 tiêu chí.
Đại diện TPBank nhận định, với khả năng đáp ứng nghĩa vụ thanh khoản tốt và thanh khoản dồi dào như hiện tại trong hệ thống ngân hàng, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không đáng lo ngại. Thậm chí, đây là một kênh đầu tư sinh lời trong dài hạn.
Ngoài các chỉ số về lợi nhuận, tỷ lệ an toàn vốn… nhiều người còn quan tâm đến nợ tiềm ẩn/tiềm tàng trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo đại diện TPbank, nhiều ngân hàng đang bị hiểu lầm về con số hàng chục tới hàng trăm nghìn tỷ “nợ tiềm ẩn/tiềm tàng” như thể nợ bị mất vốn/nợ xấu bởi điều này là không chính xác.
“Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của các ngân hàng lớn trên thế giới thường ở mức khoảng 20% so với tổng tài sản, và ở Việt Nam, các ngân hàng tốt và có hoạt động dịch vụ phát triển thì tỷ lệ này trên 10%. Thực tế, chỉ số này càng cao, lại càng mang lại hiệu quả cho ngân hàng”, đại diện TPBank khẳng định thêm.