Tổng Thư ký LHQ: Ấn tượng với sự vững vàng trong đại dịch và sự phục hồi sau đại dịch của Việt Nam
(Chinhphu.vn) – Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bày tỏ ấn tượng và khâm phục về sự vững vàng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thành tựu phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là các chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
22/10/2022 18:46
Sáng 22/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký tới Việt Nam từ 21-22/10/2022.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Thư ký António Guterres; cảm ơn Liên Hợp Quốc đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đã giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt để mở cửa nền kinh tế, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt những kết quả khởi sắc về ổn định kinh tế.
Thủ tướng chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, hướng tới triển khai ba đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định hoàn toàn ủng hộ những trụ cột chính trong đường lối phát triển đất nước của Việt Nam. Ông bày tỏ ấn tượng và khâm phục về sự vững vàng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thành tựu phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là các chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Thư ký chia sẻ khó khăn của các nước, trong đó có Việt Nam, do tác động của tình hình kinh tế thế giới. Ông đánh giá Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu… để thúc đẩy các SDG, đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong xử lý các thách thức chung, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc cũng như các sáng kiến, nỗ lực của cá nhân Tổng Thư ký. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho công việc chung của Liên Hợp Quốc trên tất cả các trụ cột của Liên Hợp Quốc.
Tổng Thư ký khẳng định Liên Hợp Quốc và cá nhân ông sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc phát triển toàn diện, hiệu quả. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo đảm quyền con người, phát triển công nghệ số, phục vụ người dân…
Nhân dịp này, hai bên chia sẻ quan ngại về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, tình hình lạm phát và nhấn mạnh để giải quyết các thách thức này, trong đó có kiểm soát lạm phát, cần có sự chung tay của các nước trên thế giới… Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến, nỗ lực của Liên Hợp Quốc và cá nhân Ngài Tổng Thư ký trong thúc đẩy tìm kiếm giải pháp đối với các vấn đề này.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí việc gia tăng hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, coi trọng vai trò của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982./.
Hà Văn