Tổ chức nào đang ‘lạc quan’ nhất về tăng trưởng GDP Việt Nam?

Đông Bắc 12:12 | 27/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Trong các tổ chức dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và tăng trưởng GDP Việt Nam 2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện có chỉ số dự báo cao nhất là 5,8%.

Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Dự báo Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam sáng nay (27/9), các chuyên gia nhận định, kinh tế tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài giảm.

Trong bối cảnh suy giảm ngoài dự kiến, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được  ADB được hạ xuống còn 5,8% cho năm 2023 (từ mức 6,5%) và 6,0% cho năm 2024 (từ mức 6,8%). Lạm phát được kỳ vọng giảm nhẹ so với dự báo trong tháng 4, do giá cả hàng hóa trong nước ổn định giúp chỉ số giá tiêu dùng tăng lên mức 3,8% trong năm 2023 và 4,0% trong năm 2024.

Trước ADB, các tổ chức khác như Ngân hàng UOB của Singapore cũng đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế quý IV/2023. Trong báo cáo này, UOB đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP quý III/2023 là 5,6% so với cùng kỳ. Dù con số này cao hơn đáng kể so với hai quý đầu năm song theo UOB, động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong quý III/2023 vẫn chậm.

Cụ thể, theo UOB, sau khi bắt đầu năm 2023 với tốc độ khá chậm, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý I/2023 đã giảm xuống 3,28% so với cùng kỳ, từ mức 5,92% trong quý IV/2022, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa phục hồi mạnh, phần lớn là do nhu cầu bên ngoài suy yếu cùng với lĩnh vực sản xuất chưa thực sự khởi sắc. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2023 chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ, đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế là 3,72% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 6,46% trong nửa đầu năm 2022 cũng như mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%.

Theo đó, UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm là 5,2% cho năm 2023 và 6,0% cho năm 2024. Trong đó, dự kiến mức tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,6% so với cùng kỳ và 7,6% trong quý IV/2023.  Điều này hàm ý mức tăng trưởng khoảng 6,6% trong nửa cuối năm 2023.

 Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 của một số tổ chức. Ảnh Mai Trang.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm rõ rệt so với năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động từ bên ngoài vì xuất khẩu chiếm 50% nền kinh tế. Sự suy giảm trên toàn thế giới không còn sâu sắc và có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng những tác động này vẫn tác động tới VN, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng. WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 4,7%.

Còn Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội tích cực của Việt Nam đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.Những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Song, với những thách thức vào cuối năm, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay dự báo gặp khó khăn nên hạ dự báo GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ tăng trưởng Việt Nam năm nay 0,8-1,1% so với dự báo hồi đầu năm, xuống chỉ còn 4,7% do những áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, tác động đến xuất khẩu….

 TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh Quốc hội.

Tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 ngày 15/9 vừa qua, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế, trong đó rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn hiện hữu và có thể kéo dài; hoạt động thương mại quốc tế còn khó khăn, còn giảm dù mức giảm đã chậm lại… tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 – 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 – 4,5%.

Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP HCM tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.

Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận