Thuỷ sản Việt Nam chỉ chiếm gần 1/10 khối lượng nhập khẩu của Mỹ
Trang Mai 08:01 | 17/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Theo thống kê của Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu gần 1,3 triệu tấn thủy sản từ các nước, ít hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng nhập khẩu từ Việt Nam là 112,8 nghìn tấn, thấp hơn 19% so với cùng kỳ và chiếm 9% tỷ trọng của Mỹ.
Lạm phát cao, tiêu thụ giảm trong khi lượng tồn kho lớn khiến hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ năm nay gặp khó. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), giá trung bình nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Mỹ giảm 29%, mức sụt giảm sâu nhất so với các nước trong top 10 nguồn cung thủy sản cho Mỹ.
Do vậy, dù sản lượng từ Việt Nam vào Mỹ có xu hướng nhích dần lên từng tháng và lên mức cao nhất vào tháng 5 nhưng giá trị nhập vẫn tăng chậm hơn.
Tính đến hết tháng 5, Mỹ nhập 17.600 tấn tôm từ Việt Nam, ít hơn 41% so với cùng kỳ, với giá trung bình 10,76 USD/kg, giảm 5%. Riêng trong tháng 5, tình hình đã phần nào cải thiện khi sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam đạt mức cao nhất từ đầu năm với 4.730 nghìn tấn.
Cá tra là mặt hàng có khối lượng nhập khẩu nhiều nhất trong số các loài thủy sản Mỹ nhập từ Việt Nam. 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập 31.300 tấn cá tra Việt Nam, giảm 49%. Giá trung bình là 3,39 USD, giảm 16%. Tháng 5 cũng là tháng có khối lượng nhập khẩu cá tra cao nhất, với 7.800 tấn.
Trong bối cảnh lạm phát cao, người dân hạn chế chi tiêu và chỉ lựa chọn các mặt hàng phù hợp với túi tiền cũng như nhu cầu. Đây là lợi thế cho sản phẩm cá tra Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Với cá ngừ, sản lượng và giá cũng giảm trung bình 34% và 29%, xuống 17.200 tấn và 6,39 USD/kg.
Tuy nhiên, vẫn có một số loài có khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương như cá bơn tăng 179%, cá kiếm tăng 49%, cá minh thái tăng 16%, cá tuyết cod tăng 51%, đặc biệt chả cá, cá viên, thịt cá xay tăng gần gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trung bình sản phẩm này bị giảm 47%.
Bối cảnh chung của Mỹ là nhu cầu giảm nên nhập khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực của thị trường này đều ít hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, hàng thủy sản Việt Nam còn phải chịu áp lực cạnh tranh trên thị trường này, nhất là với mặt hàng tôm, vốn là mặt hàng mang lại giá trị cao nhất trong các sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất sang Mỹ.
Nhìn chung, do giá giảm và áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá so với các nước khác, nên 5 tháng đầu năm nay, xét về khối lượng nhập khẩu, thì Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 5, nhưng xét về giá trị, Việt Nam đứng thứ 8, vị thế tụt dần so với Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…