Thương mại quốc tế không chỉ vì tăng trưởng kinh tế thuần túy
(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp thương mại quốc tế không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người.
24/09/2022 08:46
Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende, sáng 23/9 (giờ địa phương), tại thành phố New York, Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại Hội nghị về Tác động của phát triển bền vững (SDI) do WEF tổ chức nhân dịp Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 77.
Hội nghị còn có sự tham dự của một số đại diện cấp Bộ trưởng từ các nước khu vực Mỹ Latin, Giám đốc điều hành một số doanh nghiệp và đại diện học giả Hoa Kỳ; trong đó, Bộ trưởng Thương mại El Salvador cũng là một trong những diễn giả chính.
Tại Phiên thảo luận “Thúc đẩy thương mại bao trùm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp thương mại quốc tế không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người.
Theo đó, để chia sẻ công bằng lợi ích thương mại, Phó Thủ tướng Thường trực đề xuất một số nội dung ưu tiên để thúc đẩy thương mại bao trùm thông qua hợp tác công–tư, trong đó nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thương mại bao trùm; cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết giữa thương mại xanh, thương mại số và thương mại bao trùm; và đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm.
Từ góc nhìn của một nền kinh tế có độ mở hơn 200%, đã tham gia mạng lưới 15 FTA song phương và đa phương, bao gồm cả các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam đã rút ra là không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 với quan điểm: Phát triển xuất nhập khẩu phải dựa trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu ngắn và dài hạn, giữa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của người dân; gắn thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều đại biểu tham dự phiên họp cũng chia sẻ các quan điểm phát triển của Việt Nam, đánh giá cao các đề xuất của Phó Thủ tướng Thường trực trong thúc đẩy thương mại bao trùm.
Ông Mirek Dusek, Giám đốc Điều hành của WEF, đánh giá Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền thương mại thế giới cũng như của chuỗi cung ứng toàn cầu; cho rằng Việt Nam không chỉ đạt những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo mà còn đang có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, trở thành hình mẫu để nhiều nước tham khảo.
Bà Sanda Ojiambo, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bà Jane Nelson, Giám đốc Sáng kiến về Trách nhiệm doanh nghiệp thuộc Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và đại diện một số doanh nghiệp kêu gọi các quốc gia tăng cường hơn nữa hợp tác liên Chính phủ, giữa Chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thúc đẩy thương mại bền vững.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò đòn bẩy của các hiệp định FTA tiêu chuẩn cao, cũng như các sáng kiến về chuỗi cung ứng bền vững trong việc tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động.
Việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tác động của phát triển bền vững trong 2 năm liên tiếp cho thấy quyết tâm, nỗ lực đóng góp của Việt Nam vào thực hiện các mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc.
Đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với WEF, thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Hội nghị SDI là sự kiện thường niên với mục tiêu kết nối chương trình nghị sự của WEF và Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác công–tư trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).TIN LIÊN QUAN
- Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương bên lề Khóa họp Liên Hợp Quốc
- ‘Chính phủ Việt Nam đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư yên tâm mở rộng kinh doanh’
Hội nghị SDI 2022 được tổ chức trực tiếp từ ngày 19-23/9/2022, có sự tham dự của gần 1.000 đại biểu gồm nhiều lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các tập đoàn, doanh nghiệp và giới học giả.
Thảo luận của Hội nghị xoay quanh các chủ đề chính là thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu, xây dựng nền kinh tế tự cường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng tốc chuyển đổi công nghiệp theo hướng bền vững.
Hội nghị năm nay được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, nhằm thảo luận giải pháp cho các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cộng hưởng với các hội nghị quan trọng khác trong năm như Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) và Hội nghị thường niên WEF Davos vào tháng 01/2023./.
Hải Minh