Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, báo cáo trong tháng 6

Đông Bắc 08:06 | 12/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên 

Chia sẻ   

 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản dẫn yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định và báo cáo trong tháng 6. Kế hoạch này bao gồm nội dung nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam và doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương được giao nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động vốn, bố trí nguồn lực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có nguồn lực Nhà nước, hợp tác công tư, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 tới đây.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp với quy định pháp luật để nâng cao tính công khai, minh bạch. Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng cùng đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

 Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ảnh BCT.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm hoàn thiện việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83 ngày 20/3. Nghiên cứu, ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu. Hai nội dung này được đề nghị hoàn thành và báo cáo trong tháng 6.

Thủ tướng cũng yêu cầu trưởng ngành công thương nghiên cứu thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ về những nội dung có thể mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho Bộ Công Thương quyết định trong quản lý thực hiện Quy hoạch điện VIII, đảm bảo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, tiết giảm chi phí hành chính, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám làm vì lợi ích chung.

Về xây dựng và hoàn thiện các luật liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương cần hoàn thiện đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo.

Đối với hoạt động quản lý vận hành hệ thống điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan liên quan thực hiện nội dung điều chỉnh quản lý đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trong tháng 6 và nghiên cứu thực hiện các chính sách phù hợp, hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bên cạnh nhiệm vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương được giao khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025.

 27 dự án điện mặt trời được xem xét triển khai trong quy hoạch điện VIII

Trước đó, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Điểm nổi bật trong Quy hoạch lần này là ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết quốc tế, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW).

Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 – 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.

Trong đó ưu tiên và có chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận