Thủ tướng Phạm Minh Chính giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 3,5%
Bích Hồng/TTXVN 17:35 | 13/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam
\
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới để điều hành sản xuất linh hoạt. Gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 55 tỷ USD.
Trước những khó khăn toàn cầu đã thấy rõ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới để điều hành sản xuất linh hoạt; Gắn sản xuất với thị trường, chế biến, giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản. Bởi, theo Thủ tướng có thương hiệu mới thâm nhập được thị trường, mới tăng được năng suất lao động…
Cùng với đó, ngành chủ động tích cực hội nhập, mở rộng thị trường khi các thị trường truyền thống có xu hướng bị thu hẹp; đa dạng hóa thị trường để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa, du lịch.
Với kết quả năm 2022 ngành nông nghiệp đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào vì vậy, ngành cần tiếp tục phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong năm 2023.
Năm 2022, GDP ngành nông nghiệp đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, niềm tự hào qua những con số kỷ lục nêu trên là những mô hình mới, hiệu quả, những con số, thông tin đáng phấn khởi, gắn với người sản xuất, người nông dân, khi tiết giảm được chi phí sản xuất, cải thiện thu nhập, nhờ ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông thôn.
Những tin vui đó thể hiện ở nỗ lực đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo gợi mở của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nhờ sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong và ngoài nước cùng với tinh thần năng động, vượt khó của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng.
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Thực tiễn đã có nhiều chuyển biến từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản… Các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.
Minh chứng từ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước cho biết, tỉnh đã chuyển đổi từ hỗ trợ gia đình sang hỗ trợ chuỗi giá trị, hợp tác xã. Tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình sản xuất lúa trên ruộng bậc thang ở vùng cao của tỉnh. Đây là hình thức phát triển nông nghiệp mới ở các huyện vùng cao của tỉnh và đang phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, thu nhập người dân mà bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái thiên nhiên, gìn gìn, phát huy nét văn hóa dân tộc thiểu số. Đây là sự thay đổi chuyển biến rất tích cực trong đổi mới sản xuất nông nghiệp.
Hay Yên Bái còn có phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Qua các mô hình đã có tác động lớn đến thu hút khách du lịch đến tỉnh Yên Bái trong năm 2022, tăng gấp 1,4 lần so với trước khi có dịch COVID-19.
Về hướng đi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao, trung bình đạt trên 270 triệu đồng. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3-4 tỷ đồng/ha… đã góp phần phát triển nông thôn bền vững. Đặc biệt tỉnh có 12 sản phẩm nông sản tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Dưới định hướng của ngành, tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp đa giá trị bằng cách tích hợp giáo dục, du lịch. Du lịch cũng được xem là thế mạnh của Lâm Đồng. Hiện địa phương có thể thu hút từ 1-3 triệu lượt du khách hàng năm.
Năm 2023, trước tình trạng “đứng im” của nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ do suy thoái, nhưng ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam vẫn đạt kỳ vọng trong năm, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.
Để làm được điều này, ngành gỗ đã và đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp như: đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, quản lý; đẩy mạnh sản xuất phát thải các-bon thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung.
Các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế và trong nước, bởi xúc tiến thương mại là cốt lỗi của ngành để mở rộng thị trường, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.
Trước hàng loạt thách thức sẽ phải đối mặt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng, là sự chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện, tình huống khác nhau”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nhanh chóng cụ thể hoá những quyết sách quan trọng như Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, với tầm nhìn dài hạn, tiếp cận xu thế của thế giới, kết nối không gian phát triển. Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu, các công việc chính xoay quanh việc xác định thị trường để điều chỉnh sản xuất, định hướng quy hoạch các vùng nguyên liệu phù hợp, gắn với chứng nhận mã vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, càng cần phải tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận, tăng thêm nhiều giá trị./.