Thị trường M&A toàn cầu bước vào ‘mùa khô hạn’

Số liệu của Dealogic cũng cho thấy, giá trị các thương vụ M&A tại Mỹ đã giảm 40% xuống còn 456 tỷ USD trong quý II, trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 10%.

Giới quan sát nhận định, hoạt động giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A) toàn cầu đang bước vào “mùa khô” khi lạm phát phi mã, căng thẳng địa chính trị và những biến động trên thị trường chứng khoán hạn chế nhu cầu mở rộng của nhiều công ty.

Theo đó, xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào tháng Hai và lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động M&A trong quý II/2022. Số liệu của nền tảng dịch vụ thông tin tài chính Dealogic cho hay giá trị của các giao dịch M&A đã công bố trong quý II giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.000 tỷ USD.

Bà Alison Harding-Jones, người đứng đầu bộ phận M&A khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của ngân hàng đầu tư Citigroup Inc cho biết trong ngắn hạn, các công ty đang quay lưng với M&A vì họ cần tập trung hơn vào tác động của suy thoái kinh tế đối với hoạt động kinh doanh của mình. Sẽ đến lúc nhu cầu M&A phục hồi, nhưng trước mắt thì điều này cần thêm thời gian.

Số liệu của Dealogic cũng cho thấy, giá trị các thương vụ M&A tại Mỹ đã giảm 40% xuống còn 456 tỷ USD trong quý II, trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 10%.

Châu Âu là khu vực duy nhất mà hoạt động giao dịch không lao dốc. Hoạt động M&A tại đây đã tăng 6,5% trong quý vừa qua, phần lớn được thúc đẩy bởi một loạt các giao dịch cổ phần tư nhân, bao gồm cả thương vụ mua lại trị giá 58 tỷ euro cho tập đoàn cơ sở hạ tầng Atlantia của Italy (I-ta-li-a).

Về tổng thể, khối lượng giao dịch xuyên biên giới giảm 25,5% trong sáu tháng đầu năm. Một loạt các khoản đầu tư truyền thống của Mỹ vào châu Âu đã không xảy ra sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Với thị trường chứng khoán đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn dai dẳng, các hội đồng quản trị đều cảnh giác với các thương vụ quy mô lớn.

Ông Marc Cooper, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Solomon (Mỹ) cho biết khó có thể xảy ra nhiều “siêu thương vụ” và mua lại trong vài quý tới, đặc biệt khi cổ phiếu của các công ty đang ở quanh mức thấp của 52 tuần.

Ngoài ra, nguồn tài chính cho hoạt động mua lại đã trở nên đắt đỏ hơn khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát. Ngay cả những công ty có đủ tiền mặt để thực hiện một giao dịch cũng khó có thể thống nhất về giá cả trong thị trường đầy biến động như hiện thời.

Tại châu Âu, giá trị của đồng euro và đồng bảng Anh giảm mạnh khiến các công ty dễ thu hút lời đề nghị từ các nhà đầu tư tư nhân. Ông Umberto Giacometti, đồng giám đốc nhóm bảo trợ tài chính khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của ngân hàng Nomura, cho biết, những biến động thị trường mang lại cơ hội cho các quỹ đầu tư tư nhân khi định giá của các công ty giảm xuống. Nhưng nếu không có sự điều chỉnh về giá, những hoạt động mua bán này sẽ không thể tiếp tục.

Ông dự đoán quy mô trung bình của các thương vụ mua cổ phần tư nhân sẽ thu hẹp khi các ngân hàng hạn chế tài trợ và các quỹ tín dụng tư nhân cảnh giác với việc ký các khoản chi lớn.

Trong tương lai, giới giao dịch kỳ vọng hoạt động xuyên biên giới giữa Mỹ và châu Âu sẽ tăng trở lại nhờ đồng USD mạnh và khoảng cách giữa định giá của các công ty hai bên ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn sẽ chiếm ưu thế khi các công ty đang tìm cách cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga hoặc hạn chế tiếp xúc với khu vực này.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận