Tham vọng tỷ đô của vị “thuyền trưởng” CMC

14/01/2023 16:13

Để phát triển đến quy mô nghìn tỷ hôm nay, Tập đoàn Công nghệ CMC đã phải trải qua không biết bao lần “trày da tróc vẩy”.

Tuy nhiên, theo vị “thuyền trưởng” CMC – CEO Nguyễn Trung Chính, sau mỗi thất bại như thế, ông và doanh nghiệp lại nhìn ra những bài học và cả cơ hội để trưởng thành hơn.

tham vọng tỷ đô của vị “thuyền trưởng” cmc

Doanh nhân Nguyễn Trung Chính

Mục tiêu quy mô tỷ USD

Nằm trong Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính khá khiêm tốn cho rằng, đây là công sức của cả tập thể.

Bản thân CMC đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều danh hiệu, bằng khen, giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.

“Tôi rất xúc động và tự hào, cảm ơn đất nước. Niềm tự hào này tôi muốn chia sẻ với hơn 5.000 cán bộ nhân viên CMC đã tin tưởng, hỗ trợ tôi trong chặng đường 30 năm qua”, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính bộc bạch.

Ông kể, năm 1993, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, ông cùng người anh, người cộng sự ăn ý của mình là ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch Tập đoàn CMC), quyết định thành lập Công ty TNHH HT&NT, tiền thân của Tập đoàn CMC sau này.

Nhờ sự dẫn dắt của vị CEO này, Tập đoàn Công nghệ CMC có những bước phát triển thần tốc, có vai trò nổi bật trong đóng góp cho nền kinh tế đất nước, là đầu tàu của hoạt động chuyển đổi số quốc gia, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Hiện nay, Tập đoàn CMC đang hoạt động trên 4 khối kinh doanh chính là Khối Hạ tầng số, Khối Công nghệ & Giải pháp, Khối Kinh doanh Quốc tế và Khối Nghiên cứu & Giáo dục. CMC đang hiện diện tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trực tiếp tạo việc làm cho hơn 5.000 nhân viên.

Năm 2022, tập đoàn đã hoàn thành 2 dự án quy mô lớn, bổ sung đáng kể vào hệ thống hạ tầng số cũng như nguồn nhân lực số quốc gia là Trung tâm Dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận – Trung tâm dữ liệu hiện đại và an toàn nhất Việt Nam và Trường Đại học CMC – Trường Đại học số đa ngành đầu tiên tại Việt Nam. “Mục tiêu của CMC là trở thành công ty toàn cầu, quy mô tỷ USD với hơn 10.000 nhân sự vào năm 2025”, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính chia sẻ.

Tìm cơ hội trong thất bại

Nhấp ly trà ngày cuối năm, doanh nhân Nguyễn Trung Chính chia sẻ, vượt qua muôn vàn khắc nghiệt, ngay từ công việc đầu tiên ông đã gặp thử thách lớn với việc Viện Nghiên cứu công nghệ Quốc gia bị cháy năm 1989, thiêu rụi toàn bộ tài liệu, sản phẩm, máy tính phục vụ nghiên cứu.

“Nếu không có vụ cháy đó thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính đầu tiên. Nhưng cũng từ vụ cháy đó, tôi nhận ra, phải chuyển đổi số để bảo tồn tài liệu, bảo tồn tri thức. Đó là nền móng để có được CMC ngày nay. Sau này, khi đổi tên công ty thành CMC, viết tắt của Chính – Minh – Cộng sự, nhưng cũng có thể hiểu là “Cháy Mà Có” nhờ sự kiện năm 1989”, ông Chính nhớ lại.

5 năm thuận lợi kiếm tiền nhờ việc bán các sản phẩm máy tính Made in Việt Nam, đến năm 1998, CMC thành lập Blue Sky – siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam và nhanh chóng tạo dựng được danh tiếng. Nhưng sau đó một thời gian ngắn, do thay đổi cách tính thuế, áp dụng thuế VAT, hàng trốn thuế nhanh chóng tràn ngập thị trường, mô hình siêu thị Blue Sky bị phá sản.

Dù vậy, ông Chính cho rằng, CMC vẫn tăng trưởng một cách “hồn nhiên” nhờ đón đầu xu thế chuyển đổi số. Cho đến năm 2006-2007, khi thị trường chứng khoán ra đời ở Việt Nam, CMC nhận thấy cơ hội mới, cổ phần hoá công ty mẹ và bắt đầu tái cấu trúc với 4 công ty ban đầu thành mô hình Tập đoàn Công nghệ CMC.

“Ba năm liên tục sau đó, CMC tăng trưởng vượt bậc, doanh thu từ ngàn tỷ đồng mỗi năm đã tăng lên vài ngàn tỷ đồng!”, ông Chính kể.

Song cú “tát” khủng hoảng kinh tế trong năm 2007 cũng làm cho CMC liêu xiêu. “Vừa lên sàn chứng khoán, chúng tôi đã bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt vì thua lỗ. Vì lý do, khách hàng là doanh nghiệp bất động sản của CMC bị đóng băng hoạt động, hàng tồn kho chất đống, nợ xấu lên tới vài ngàn tỷ đồng. Đó là cú sốc cực kỳ lớn với tôi những năm 2011”, ông Chính trầm ngâm.

Bền bỉ kiên trì vực dậy, 2 năm sau đó, CMC tập trung vào xây dựng bộ quản trị doanh nghiệp hiện đại để hướng đến mục tiêu “là doanh nghiệp công nghệ toàn cầu”. Hành trình vươn ra toàn cầu của CMC bắt đầu trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khát nhân lực công nghệ. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang có chiến dịch “săn đầu người”, trả lương kỹ sư phần mềm liên quan tới blockchain, trí tuệ nhân tạo cao hơn cả châu Âu, Mỹ.

Thời điểm đó, chiến lược của CMC là cạnh tranh bằng phát minh sáng chế công nghệ số. Hơn 2.500 cộng sự của CMC được huy động để xây dựng công ty sáng tạo. Họ được cháy hết mình với ý tưởng để chinh phục đỉnh cao. Nhờ đó, CMC đã dần trở thành một “gã khổng lồ” về giải pháp số trong khu vực và trường quốc tế từ những năm 2013.

Dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực

tham vọng tỷ đô của vị “thuyền trưởng” cmc

Đại diện Tập đoàn CMC trao tặng phần 3.600 máy tính bảng cho học sinh khó khăn tại chương trình “Sóng và máy tính cho em” do ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào ngày 15/9/2021

Là một người gắn bó với CMC nhiều năm nay, cả trên cương vị nhà quản lý, lẫn đối tác (CMC là hội viên của hội), TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện CMC đã là một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Theo TS. Nguyễn Minh Hồng, nói đến CMC, có lẽ trong giới công nghệ cũng như kinh doanh ai cũng biết đến quá trình khởi nghiệp và tạo dựng thành công của công ty này gắn liền với “tình bằng hữu” sâu đậm của 2 vị CEO.

“Ít có một cặp đôi đặc biệt và tuyệt vời như Hà Thế Minh và Nguyễn Trung Chính”, ông Hồng nói và bày tỏ, họ cùng nhau khởi nghiệp khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, không ít những thăng trầm, tạo nên một CMC có vị thế đáng nể trong làng công nghệ thông tin. Họ đã chèo lái CMC đạt được rất nhiều thành tựu.

Ông Hồng đánh giá, CMC hiện không chỉ là một trong số rất ít doanh nghiệp sản xuất máy tính “Made in Vietnam” với tên thương hiệu CMS, mà còn là doanh nghiệp dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như: Xây dựng hạ tầng số, phát triển nền tảng số, nghiên cứu – đào tạo và an toàn thông tin…

Trong giai đoạn 2017-2021, CMC luôn giữ mức tăng trưởng dương hàng năm, đóng góp ngân sách Nhà nước.

Chỉ tính riêng năm tài chính 2021, doanh thu hợp nhất của CMC đạt 6.909 tỷ, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ; thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 432 tỷ đồng, tăng trưởng 29% cùng kỳ, đạt 113% kế hoạch.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận