Tân Phó hiệu trưởng trường Đại học CMC là chuyên gia về AI
[VOV2] – Thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học Al, bên cạnh việc xúc tiến việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, ký kết hợp tác với các trường ĐH có thế mạnh về Al, trường Đại học CMC đã bổ sung Phó hiệu trưởng là chuyên gia Al.
Thu Lương
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh – giảng viên, nhà nghiên cứu với hơn 20 năm kinh nghiệm về công nghệ thông tin và AI vừa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học CMC.
Phát biểu tại Lễ bổ nhiệm, PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh khẳng định: “Cần thực hiện từng bước để tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của nhà trường. Đầu tiên,cần cập nhật công nghệ AI vào chương trình đào tạo hiện có, đào tạo ngành AI hướng theo sự phát triển của thế giới. Sau đó chúng ta tiến tới khai thác các nền tảng về AI thế hệ mới (như AI tạo sinh và các công nghệ về đồ thị nhúng hiện đại,…) để ứng dụng vào quá trình học tập, giảng dạy, đánh giá, trải nghiệm sinh viên và các hoạt động khác.”
Nhận định về việc ứng dụng AI tại các trường đại học hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh cho biết: “Hoạt động này diễn ra đa dạng và ở các mức độ khác nhau tuỳ theo từng trường. Tuy nhiên đa phần ở quy mô các nhóm nghiên cứu nhỏ, chưa được thể hiện rõ nét ở quy mô tổng thể tại các trường đại học.”
Theo PGS Nguyễn Hữu Quỳnh, bước tiếp theo trường ĐH CMC cần làm chính là cần cập nhật công nghệ AI vào chương trình đào tạo hiện có, xây dựng ngân hàng câu hỏi, ứng dụng các công cụ AI vào hoạt động xây dựng bài giảng và cá nhân hóa trải nghiệm học tập, phân tích dữ liệu lớn để cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh cũng cho biết, AI hiện nay đã phát triển ở mức độ cao, các nền tảng về AI thế hệ mới như AI tạo sinh và các công nghệ về đồ thị nhúng hiện đại,… đã ra đời và nhiều công cụ được công bố mã nguồn mở để khai thác và sử dụng. Bên cạnh đó, trường Đại học CMC trực thuộc Tập đoàn CMC với năng lực công nghệ vượt trội cùng những lợi thế về nguồn lực tài chính, nhân lực, dữ liệu và hạ tầng số như trung tâm dữ liệu (data center), điện toán đám mây, blockchain,… sẽ tạo nên lợi thế trong quá trình ứng dụng AI vào đào tạo và quản trị, vận hành.
Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học CMC khẳng định: “AI University không chỉ đồng nghĩa với việc trường Đại học CMC đào tạo công nghệ AI mà còn ứng dụng tất cả những ưu thế của AI trong mọi hoạt động của nhà trường. Đây là một quá trình dài và cần phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của mọi người.”
Trước đó, ngày 22/7/2024, trường Đại học CMC chính thức công bố triển khai mô hình đào tạo AI University, cam kết ứng dụng công nghệ, AI vào vận hành, giảng dạy, tăng trải nghiệm cho sinh viên. Trong giai đoạn đầu, CMC sẽ tập trung vào việc đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ và giải pháp bằng chính năng lực công nghệ của Tập đoàn cũng như thông qua hợp tác với các đối tác lớn của CMC như Microsoft, Google, Amazon, Intel, Synopsys.
Song song với đó, việc đào tạo năng lực AI cho đội ngũ giảng viên và cán bộ nhân viên cũng được chú trọng. Sinh viên CMC sẽ được đào tạo, hướng dẫn sử dụng AI như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu một cách có trách nhiệm, đảm bảo liêm chính học thuật.
Việc bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh làm Phó hiệu trưởng trường Đại học CMC là một bước trong lộ trình xây dựng AI University, góp phần đưa CMC trở thành một môi trường học tập hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực ứng dụng AI cho sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh đã từng có nhiều năm đảm nhiệm vị trí Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Điện lực; Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm tin học Trường Đại học Thủy lợi. Ông đã chủ trì xây dựng 06 hệ thống phần mềm áp dụng vào thực tế cho trường đại học và doanh nghiệp, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nafosted, 4 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông cũng là trưởng nhóm nghiên cứu “Các kỹ thuật học máy và điều khiển thông minh – MLIC”, đồng thời là tác giả chính của hàng chục bài báo quốc tế SCIE và hội thảo quốc tế Rank A.