Tận dụng cơ hội hút làn sóng đầu tư mới
Thúy Hiền 10:59 | 17/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Chia sẻ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm trong khu công nghiệp, khu kinh tế đang chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước và tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn đầu tư nước ngoài khu vực này chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Tận dụng cơ hội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước. Theo đó, hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…
Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như: Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc… Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại Diễn đàn “Khu công nghiệp Việt Nam – 2022: Khơi thông dòng vốn đầu tư mới” mới được tổ chức gần đây, nhiều ý kiến chuyên gia và tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên cơ hội, như: Bên cạnh sự ổn định chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong khu vực; các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.
Cùng với đó, nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc và sự tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành, điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền đã và đang được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp hiện nay đối diện những thách thức, bao gồm: thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài.
Cùng với đó là các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất; vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà đầu tư trong khu công nghiệp đã gặp khó khăn trong việc đăng ký và áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (Nghị định 82). Với các yêu cầu về điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Nghị định 82, cả nhà đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, cơ quan hải quan đều bối rối trong việc thực hiện vì các yêu cầu dẫn đến tình huống “con gà quả trứng”.
Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp chỉ được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất khi đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan. Trong khi để đáp ứng các điều kiện kiểm tra giám sát hải quan đó, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động xây dựng, mua sắm và đầu tư, lắp đặt hệ thống hàng rào, camera giám sát và nhiều hoạt động đầu tư khác.
“Đây cũng chính là giai đoạn mà nhà đầu tư rất cần được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất để đảm bảo các lợi ích về dòng tiền. Vấn đề này đã thực sự gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp”, bà Hương nêu.
Chính sách để thu hút
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút đầu tư, các khu công nghiệp, khu kinh tế cần có cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn tốt, dịch vụ xuất sắc và rất quan trọng là cần có sự đồng hành với nhà đầu tư. Nhưng để làm được như vậy, khu công nghiệp, khu kinh tế cũng cần có được những hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khu công nghiệp từ phía Chính phủ cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư và ngược lại khó khăn của khu công nghiệp, một cách trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ là những trở ngại đối với nhà đầu tư.
Để tạo thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, thời gian qua Chính phủ cũng có những chính sách tạo thuận lợi cơ bản, như xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông kết nối vùng, với thị trường quốc tế được nâng cấp và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế.
Do vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có chính sách để tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Nhà nước và nhà đầu tư cùng đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích, hợp tác và chia sẻ để cùng phát triển. Theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế luôn khẳng định tinh thần đó khi xác định “bắt tay” đầu tư vào một dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với chính quyền địa phương để có những bước tiến quan trọng trong quá trình đầu tư vào mỗi địa bàn cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An kiến nghị, việc thực hiện cấp chủ trương đầu tư theo tỷ lệ lấp đầy như quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nhất là thời gian cho thuê đất của khu công nghiệp mở rộng vẫn là 50 năm để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài rất ngại về thời gian cho thuê còn ngắn.
Nguồn nhân lực cũng được xem là yếu tố tiên quyết quyết định thành bại của doanh nghiệp. Bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia cho biết, doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang lựa chọn giải pháp thuê lao động bên ngoài để chủ động trong việc kiểm soát chất lượng và kết quả tuyển dụng.
Theo bà Hương Vũ, hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thuế và nhiều luật khác. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét và có sự tích hợp đồng bộ giữa các luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bao gồm cả chính sách về thuế để tháo gỡ vướng mắc cho cả chủ đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế và bản thân các doanh nghiệp đầu tư trong đó.
“Với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.