Tâm điểm vĩ mô tháng 8: Kinh tế Mỹ liệu có suy thoái, lạm phát và rủi ro từ TPDN
Hạ An 12:49 | 10/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên
Trong tháng 8, nhà đầu tư cần chú ý đến nhiều yếu tố vĩ mô quốc tế như động thái của Fed hay triển vọng kinh tế Mỹ liệu có suy thoái? Ở trong nước, nguy cơ lạm phát và rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là những yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm.
Trong những ngày đầu tháng 8, xuất hiện sự bán tháo trên diện rộng, đồng loạt ở nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới.
Việc giá nhiều loại tài sản đồng pha giảm như: Giá chứng khoán, bitcoin, giá vàng tạo ra cuộc hoảng loạn trên thị trường tài chính… tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam. Điều này thể hiện qua phiên ngày 5/8 VN Index giảm tới 49 điểm.
Vậy các nhà đầu tư cần chú ý đến những yếu tố vĩ mô gì trong tháng 8?
Liệu Fed có chậm chân hạ lãi suất dẫn đến suy thoái?
Một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đặt ra trong lúc này là “Liệu FED có chậm chân trong điều hành chính sách dẫn đến suy thoái?”, điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến các phiên bán tháo trên diện rộng.
Khi kinh tế Mỹ suy thoái, chứng khoán Mỹ giảm điểm ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam. Vào tuần cuối tháng 7, một loạt số liệu vĩ mô của Mỹ, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, PMI công nghiệp và dịch vụ, được công bố xấu hơn kỳ vọng. Với số liệu này, giới đầu tư bắt đầu tính đến kịch bản Fed có thể chậm chân trong điều hành chính sách, nếu chỉ thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất (mỗi lần 25bps, năm 2024), dẫn đến suy thoái kinh tế nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt, vẫn còn quá sớm để kết luận kịch bản suy thoái khi chỉ dựa vào chỉ số quy luật Sahm.
Theo Quy tắc Sahm, giai đoạn đầu của suy thoái được báo hiệu khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng của Mỹ cao hơn 0,5 hoặc hơn so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng thấp nhất trong 12 tháng trước đó.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong tháng 7 (4,3%) chủ yếu do nguồn cung lao động lớn hơn, phần lớn đến từ sự gia tăng nhập cư, thay vì sự giảm cầu lao động.
Bên cạnh đó, số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu, một chỉ báo về cầu lao động, vẫn ở mức thấp lịch sử, cho thấy cầu lao động vẫn mạnh. Trong khi đó, quan sát các cuộc suy thoái trước có thể thấy suy thoái chỉ thực sự diễn ra khi cả chỉ số Sahm và số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu cùng tăng. Trong chu kỳ này, cả hai chỉ báo vẫn khá rời rạc, với số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp không tăng theo cùng xu hướng với chỉ số Sahm.
Đánh giá về đợt bán tháo vừa qua, Chuyên gia kinh tế – tài chính Nguyễn Hữu Huân cho rằng điều này ảnh hưởng bởi tâm lý là chính và sẽ có sự phục hồi ngay sau đó.
Ông cho rằng, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các thông tin, vì vậy trong trung hạn sẽ khó có thể dự báo được những tác động của yếu tố địa chính trị toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chắc chắn những biến động địa chính trị lớn trên thế giới sẽ có nhiều biến động đến Việt Nam.Đơn cử như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ cục diện địa chính trị toàn cầu.
Lạm phát phải đến tháng 8 mới hạ nhiệt
Với thị trường trong nước, hai rủi ro mà nhà đầu tư cần quan tâm là lạm phát và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát quý II tăng 4,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,8% của quý I, chủ yếu là do phản ánh thay đổi mạnh theo năm của một số mặt hàng thực phẩm (giá gạo, giá thịt heo,…).
Mức tăng theo tháng của chỉ số giá tiêu dùng khá thấp, bình quân chỉ 0,2% trong 4 tháng gần nhất. Đồng thời, khoảng cách giữa lạm phát chung và lạm phát lõi đang mở rộng.
Các chuyên gia từ VDSC dự báo, lạm phát có thể hạ nhiệt dần từ tháng 8 do mức nền cao của cùng kỳ. Mặc dù vậy, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi: Sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế; Ảnh hưởng của tỷ giá lên các mặt hàng nhập khẩu (xăng dầu) và tác động của cải cách tiền lương.
Rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì không có nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn.
Đồng thời, chi phí huy động TPDN của nhóm BĐS vẫn duy trì ở mức cao trong 7T2024 phản ánh rủi ro cao của nhóm doanh nghiệp này.
Nếu việc cơ cấu nợ không thuận lợi trong nửa cuối năm trước áp lực đáo hạn trái phiếu và thị trường bất động sản chưa phục hồi như mong đợi, rủi ro không thể thanh toán được nợ dẫn đến sự gia tăng đột biến của nợ kéo theo (do đánh giá CIC). Điều này hàm ý cho áp lực trích lập của nhóm ngân hàng và triển vọng tăng trưởng của nhóm này không đạt kỳ vọng.
Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng từ nay đến cuối năm kênh đầu tư chứng khoán sẽ bị cạnh tranh nhiều bởi thị trường bất động sản bởi các Luật Đất đai, Luật kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở đã tạo khung pháp lý để giải quyết một số vấn đề vướng mắc của thị trường. Dòng tiền chực chờ đổ vào thị trường này nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường chứng khoán.