Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải có chọn lọc, trọng tâm
(Chinhphu.vn) – Ngày 14/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối DN Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 12 (mở rộng) sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối DN Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và 6 tháng đầu năm 2023.
14/07/2023 17:30
Kể từ Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 từ năm 2020, trải qua gần 3 năm qua, Đảng bộ Khối đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tính đến ngày 30/6/2023, 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra đều đạt và vượt.
Dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ (CSĐCP) đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đặc biệt, trong bối cảnh chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài, một số Tập đoàn, Tổng công ty đang phải giải quyết các hạn chế bất cập kéo dài nhiều năm.
Mặc dù khó khăn nhưng các Tập đoàn, Tổng công ty các ngân hàng, đơn vị trực thuộc Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương đã cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đóng góp tích cực hiệu quả cho kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn đánh giá cao sự lãnh đạo cấp ủy của các Tập đoàn, Tổng công ty đã cùng cán bộ nhân viên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thể hiện qua các con số: Tổng doanh thu 6 tháng là 54,3%, lợi nhuận 55,3% kế hoạch, nộp ngân sách đạt kết quả tích cực.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhận định: Thời gian tới có đan xen thuận lợi và khó khăn, trong đó thách thức nhiều hơn, đòi hỏi Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm rất cao.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng lưu ý các nội dung tại Kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc các Tập đoàn, Tổng công ty đợt cuối năm 2022. Trong đó, cần tiếp tục phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp các đơn vị tích cực đầu tư, phát triển, làm ăn hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng đề nghị các đơn vị trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đẩy nhanh tiến độ đi đôi với bảo đảm chất lượng tái cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới các Tập đoàn, Tổng công ty giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tái cơ cấu phải có chọn lọc, trọng tâm. Các Tập đoàn cần lựa chọn kỹ càng, giữ lại những DN, giá trị cốt lõi của Tập đoàn, rút kinh nghiệm sâu sắc việc thoái vốn ảnh hưởng đến sức mạnh các công ty mẹ.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, qua các hoạt động thiết thực và cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo quản lý thống nhất, hiệu quả từ công ty mẹ tới công ty con.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa Ban CSĐCP, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các bộ ngành, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
“Có thể có lí do này khác nhưng với vai trò trách nhiệm chủ lực của mình, lãnh đạo các Tập đoàn cần xác định không thể để xảy ra các vấn đề thiếu năng lực như xăng dầu, điện…”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cải cách, hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ bất cập, để các DN phát triển ngang tầm với yêu cầu trong tình hình mới. Văn phòng Chính phủ có bộ phận riêng kiểm soát thủ tục hành chính, sẽ khẩn trương đốc thúc tiến hành sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.
“Đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban CSĐCP sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 bên để xem xét, ban hành và tổ chức thực hiện. Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp và đồng ý nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban CSĐCP và Quy chế phối hợp công tác của Ban CSĐCP với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung phối hợp với Đảng ủy Khối DN Trung ương. Trong tháng 7 này, Bộ Chính trị sẽ ban hành 2 Quy chế, làm căn cứ để chúng ta xây dựng Quy chế phối hợp công tác”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.
Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng Ủy Doanh nghiệp Trung ương khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong điều kiện trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, nền nếp các mặt công tác xây dựng Đảng; đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; linh hoạt, thích ứng, chuyển trạng thái phù hợp, kịp thời để thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối tăng từ 1.426.134 tỷ đồng lên 2.083.788 tỷ đồng (tăng 46,1%). Nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị trong Khối ước đạt 122 nghìn tỷ đồng, đạt 68,8% kế hoạch năm, bằng 85,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến nay, 13/13 chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III đều vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mức đề ra. Các DN, đơn vị trong Khối đã đi đầu, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia; tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội…
- Đảng ủy Khối DN Trung ương kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch
- 24/30 đơn vị trong Đảng uỷ Khối DN nộp ngân sách vượt kế hoạch
- Đảng uỷ Khối DN Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy mạnh phối hợp công tác
Hội nghị cũng bày tỏ sự thống nhất cao với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến 2025, trong đó nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2023 -2025, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, gây nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên sẽ khả quan hơn so với nửa đầu nhiệm kỳ. Tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng vẫn đè nặng lên hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các cuộc chiến thương mại và các tranh chấp địa chính trị tiếp tục tiếp diễn, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp dẫn đến các thách thức về tình hình an ninh chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế thế giới với mức tăng trưởng tích cực.
Huy Thắng