SSI Research: Lạm phát lõi cao sẽ là yếu tố khiến NHNN phải cân nhắc đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp nửa cuối 2023
Anh Đào 08:06 | 10/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên
Tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cơ bản chậm hơn nhiều so với lạm phát chung, khi ghi nhận tăng 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 6 và 4,7% đối với lạm phát bình quân.
Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research đề cập đến lạm phát tổng thể hạ nhiệt nhưng lạm phát lõi vẫn ở mức cao.
Tính đến cuối tháng 6, lạm phát chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lạm phát quý II tăng 2,41% (quý 1: 4,2%) và lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm tăng 3,29% – thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ và đã giúp NHNN chủ động giảm tiếp lãi suất điều hành lần thứ 4 trong quý II.
Trong 6 tháng đầu năm, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (đóng góp CPI 1,24 điểm phần trăm) và nhóm lương thực, thực phẩm (đóng góp CPI 1,34 điểm phần trăm) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI.
Các yếu tố hỗ trợ lạm phát chính trong nửa đầu năm là giá xăng dầu (- 24,87%) giúp chỉ số giá giao thông giảm -8,34% (đóng góp giảm CPI 0,81 điểm phần trăm).
Tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cơ bản chậm hơn nhiều so với lạm phát chung, khi ghi nhận tăng 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 6 và 4,7% đối với lạm phát bình quân.
SSI đánh giá lạm phát tổng thế hạ nhiệt nhanh chóng trong quý II, nhưng chưa phản ánh đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt và việc điều chỉnh giá điện bán lẻ trong tháng 6. Do vậy, SSI kỳ vọng lạm phát có thể sẽ nhích tăng dần trở lại trong tháng 7 tới đây.
“Điểm tích cực nhu cầu tiêu dùng suy yếu cũng khiến cho lạm phát khó có sự bứt phá, tuy nhiên việc lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao và tốc độ giảm tương đối chậm là yếu tố cần phải đáng cân nhắc để NHNN có thể đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp trong nửa cuối năm nay”, SSI cho hay.
Trong báo cáo, khối phân tích SSI Research cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm ở mức 4,5% – 5%.
Theo SSI, mặc dù tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II tích cực hơn so với quý I, so sánh mức tăng trưởng GDP theo quý cho thấy xu hướng hiện tại đang ở mức thấp hơn mức tăng trưởng trung bình giai đoạn trước COVID. Tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 3,72% – mức thấp nhất kể từ 2021 nếu loại trừ giai đoạn COVID-19 2020.
Xét theo phía cầu, tăng trưởng 6 tháng chủ yếu đến từ xuất khẩu ròng khi chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp tới 63,45% trong khi xét về tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản chỉ ghi nhận tăng 2,68% và 1,15%.
Nhóm phân tích cho rằng trong nửa cuối năm, các nỗ lực từ phía NHNN và Chính phủ có thể sẽ phải gặp các trở ngại đến từ việc cần phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng và sự ổn định vĩ mô (và hệ thống ngân hàng nói riêng). Yếu tố cản trở khác đến từ việc các điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt. Điểm tích cực có thể đến từ sự hồi phục của ngành du lịch (khi chính sách visa thuận lợi hơn) và sự phục hồi nhanh hơn từ các đối tác thương mại chính.