Sẽ ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả
Tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ tri, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trang đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019, trong đó lưu ý quy định phù hợp về sử dụng tiền gửi kho bạc nhà nước tại tổ chức tín dụng, hoàn thành trước ngày 15/12/2022; Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ.
NHNN: Nới room giúp tạo nguồn lực cho người dân mua nhà
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ trong buổi trả lời phỏng vấn liên quan việc cơ quan quản lý tiền tệ điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 mới đây, cho biết tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu 14% đầu năm vẫn còn khoảng 1,8%, cộng với gần 2% tăng thêm, thị trường sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới.
“Đây có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế”, Phó thống đốc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, điều quan trọng khi có thêm room tín dụng là các ngân hàng thương mại phải chủ động huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng, sẵn sàng tạo điều kiện về nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng để cung ứng vốn ổn định, đảm bảo nhu cầu các dự án cần thiết hiện nay.
Liên quan vấn đề quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động cho vay của các ngân hàng sau khi được nới room, Phó thống đốc cho biết đối tượng NHNN muốn tập trung cho vay và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết là các lĩnh vực ưu tiên. Đó là nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Phó thống đốc cho biết thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực người dân mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
“Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông, cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà”, ông nhấn mạnh.