Phó chủ tịch Vingroup: Tham vọng phát triển taxi điện GSM ra châu Á

Mộc An

Mộc An

Thứ ba, 18/04/2023 – 13:54

00:00/04:14

Nam miền Bắc

(Dân trí) – Lãnh đạo Vingroup chia sẻ về tham vọng phát triển taxi xanh ra các nước tại châu Á, cung cấp cho người dân cơ hội lựa chọn dùng taxi, dùng phương tiện di chuyển không phát thải.

Thách thức kinh tế thế giới từ “đa khủng hoảng”

Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế thế giới 2023 đang đối diện với tình trạng “đa khủng hoảng”.

Tình trạng này đến từ gia tăng nợ công, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm, ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.

Điều đó đòi hỏi tất cả quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Tăng trưởng xanh đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế trước những biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen.

Trên thực tế, ngày càng nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tham gia vào các “liên minh xanh” nhằm chuyển dịch sang nền kinh tế xanh thông qua các cam kết khu vực và toàn cầu. Các chính phủ và doanh nghiệp khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang đầu tư vào dự án phát triển xanh để đạt được những mục tiêu tương tự.

Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo, đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Lựa chọn này không những là tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Phó chủ tịch Vingroup: Tham vọng phát triển taxi điện GSM ra châu Á - 1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: BTC).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

Trong đó, Việt Nam cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả 3 yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.

Động thái từ doanh nghiệp tư nhân

Tại hội nghị, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cũng chia sẻ về xu hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam dưới góc độ doanh nghiệp.

Ông cho biết, Việt Nam là một nước đang phát triển, có bờ biển dài, có nắng, có gió, có nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển năng lượng xanh. Ngay từ đầu thế kỷ trước, Chính phủ đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, có nhiều biện pháp chính sách để đảm bảo phát triển chiến lược này. Trong đó, 2 mục tiêu quan trọng được đặt ra gồm xanh hóa ngành sản xuất và xanh hóa hệ thống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Với điều kiện tự nhiên, tầm nhìn của Chính phủ, các doanh nghiệp, người dân cũng nhận thức rõ ràng tầm quan trọng, tiềm năng của tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp cũng dần chuyển hóa đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn, tiết kiệm điện, sản xuất những sản phẩm không phát thải nhà kính.

Ông Quang lấy ví dụ, trong năm 2022, VinFast chuyển đổi toàn bộ sản xuất xe xăng sang sản xuất xe điện, bao gồm bus điện, ô tô điện, xe máy điện. Năm 2022, doanh nghiệp này cũng công bố tham gia và cam kết giảm phát thải nhà kính bằng 0 vào năm 2040.

Phó chủ tịch Vingroup: Tham vọng phát triển taxi điện GSM ra châu Á - 2
Các khách mời thảo luận về tiềm năng tăng trưởng xanh đối với doanh nghiệp (Ảnh: Mộc An).

“Gần đây chúng tôi vừa ra mắt Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast)Công ty xe taxi điện này trước mắt triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Chúng tôi cũng có tham vọng phát triển ra các nước tại châu Á, cung cấp cho người dân cơ hội lựa chọn dùng taxi, dùng phương tiện di chuyển không phát thải”, ông Quang cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh để đạt mục tiêu không phát thải thì doanh nghiệp không chỉ sản xuất xe điện mà còn áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất, tìm kiếm những linh kiện sản xuất thân thiện với môi trường. Ví dụ như Công ty sản xuất pin VinES đang triển khai chương trình tái chế xe điện.

“Cơ hội ở Việt Nam rất nhiều. Cơ hội của VinFast cũng rất nhiều. Xe điện là sản phẩm rất mới mẻ ở Việt Nam. Thị trường hiện nay đón nhận rất tích cực. Chúng tôi tin rằng dư địa phát triển xe điện còn rất lớn tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”, ông tiết lộ.

Bên cạnh những cơ hội, ông cũng cho biết có 2 nhóm thách thức lớn đối với tăng trưởng xanh bao gồm nhận thức và hệ thống chính sách. Việc phát triển xe ngành xe điện hiện cũng đang đối mặt với những thách thức chung này.

Cụ thể, xe điện là lĩnh vực mới và đòi hỏi thời gian để chứng minh và thu phục người dân, người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, ông Quang cho rằng cần có những biện pháp để nâng cao nhận thức người dân về sử dụng xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

Ngoài ra, hiện nay, xe điện phát triển rất nhanh và cơ chế chính sách chưa theo kịp. Chính phủ đang thúc đẩy hoàn thiện chính sách để phát triển xe điện, khuyến khích người dân sử dụng loại hình xe này. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận